Xây dựng Thông tư công khai, đảm bảo minh bạch để xã hội giám sát
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý tới Ban biên soạn, tổ biên tập một số điểm trong Dự thảo Thông tư. Theo đó Ban soạn thảo cần rõ quy định trách nhiệm thực hiện và tổ chức thực hiện, cần có sự chính xác theo đúng quy định quản lý nhà nước; Hoạt động kiểm tra, Bộ GD&ĐT chủ quản kiểm tra đầu mối các cơ sở giáo dục đại học theo chuyên ngành, hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non đã được phân cấp theo quy định;
Hoạt động thanh tra đã được phân quyền trách nhiệm và trách nhiệm thực hiện; Quy định tài chính cần rõ số liệu mức độ tự chủ, minh bạch của các cơ sở giáo dục, tổng thu và cơ cấu khoản thu chi; Cần rà soát kỹ theo quy định của Nghị định 99 ban hành Thông tư để minh bạch, công khai.
"Nguồn lực đầu tư nhà nước, nguồn thu từ doanh nghiệp, xã hội vào đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ... cần được làm rõ. Nguồn thu và chi phải rõ ràng vào từng việc, đúng đối tượng (con người, cơ sở vật chất, chuyên môn) để người học, xã hội nắm rõ. Quan điểm xây dựng Thông tư phải dễ hiểu, mục đích là để kiểm tra việc công khai, đảm bảo minh bạch để xã hội giám sát" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh
Báo cáo về sự cần thiết ban hành văn bản, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ), đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư, trong đó có nhiều nội dung quy định chi tiết về việc công khai tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, ngoài việc thực hiện công khai còn phải cập nhật thông tin liên quan đến nội dung công khai trên cơ sở dữ liệu ngành.
Trách nhiệm minh bạch, công khai thông tin của cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội trong bối cảnh thay đổi cơ chế quản lý nhà nước từ hành chính tập trung sang trao quyền tập trung vào quá trình và chất lượng giáo dục, đào tạo. Mục đích nhằm minh bạch các thông tin có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, viên chức, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục.
Bảo đảm sự chặt chẽ, phù hợp, khả thi của Thông tư và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bảo đảm bám sát các quy định mới của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật; không quy định lại các nội dung công khai liên quan đã được quy định trong các thông tư khác của Bộ GDĐT;
Các hoạt động quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, hạn chế tối thiểu việc các cơ sở giáo dục phải báo cáo định kỳ về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm và tự giải trình đối với việc công khai của cơ sở giáo dục. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện công khai. Minh bạch các các thông tin thu chi tài chính, điều kiện bảo đảm hoạt động và quy định trách nhiệm của các bên liên quan để triển khai thực hiện.
Đại diện các Vụ, Cục tham dự cuộc họp nhất trí với Dự thảo Thông tư. Các bên liên quan cũng có báo cáo chi tiết và giải trình với Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Ban biên soạn đã lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng về các vấn đề kỹ thuật, hành văn, tách gộp chuyển vị trí cho phù hợp. Đặc biệt, chỉnh sửa những nội dung đưa vào và bỏ đi để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của Thông tư, sớm hoàn chỉnh gửi Vụ Pháp chế thẩm định và trình Ban cán sự Đảng xin ý kiến.