17/01/2022 10:08

Tự chủ là tăng quyền tự quyết tài chính cho các trường đại học

Ngày 14/1, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tự chủ đại học và xây dựng mô hình đại học thông minh - Từ lý luận đến thực tiễn” dưới hình thức trực tuyến.

Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía Trường Đại học Thủ Dầu Một có Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: Giáo sư Đặng Văn Soa, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế.

3 nội dung chính về tự chủ đại học

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư Trần Mai Ước, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học trong nước cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc thực hiện tự chủ tài chính là sẽ là tiền đề, điều kiện, cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình hoạt động và phát triển.

Theo Phó Giáo sư Trần Mai Ước, quyền tự chủ đối với cơ sở giáo dục đại học được thể hiện chủ yếu trên 3 nội dung lớn là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ tổ chức biên chế và tự chủ tài chính.

Tự chủ đại học không có nghĩa là không có sự quản lý của Nhà nước, mà sẽ quản lý theo luật định, nhằm tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho nhà trường trên cở sở tăng cường sự độc lập, tính tự quyết định.

Bên cạnh đó, tự chủ về tài chính không phải là các trường tự lo về tài chính. Nhà nước vẫn có trách nhiệm đầu tư tài chính cho các trường công nhưng tăng cường quyền tự quyết của trường về tài chính trên cơ sở những quy định khung.

Phó Giáo sư Trần Mai Ước, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chụp màn hình)

Mặt khác, bản chất của tự chủ tài chính đó là sự chủ động việc đảm bảo các nguồn lực bên trong phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường. Chính vì vậy, trường đại học cần được tự quyết định và chủ động về vấn đề khai thác, tìm kiếm nguồn tài chính; cách thức sử dụng các nguồn tài chính, tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai; cân đối các nguồn tài chính thu, chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính minh bạch, tuân thủ pháp luật và không vụ lợi.

Mục tiêu của tự chủ tài chính (khoán tài chính) là thực hiện việc quản lý các trường đại học tốt hơn so với cơ chế quản lý trước đây. Việc đảm bảo các nguyên tắc khoản mục chi tiêu phải được công khai hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học, chi tiêu tiết kiệm, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức của trường.

Nói một cách tổng quát, nếu thực hiện tốt cơ chế quản lý tài chính sẽ tạo điều kiện tốt nhất để trường thực hiện một cách chủ động công tác tổ chức quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng toàn diện nhà trường. Với những sự chủ động như vậy, các trường đại học vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong lâu dài vừa thúc đẩy sự cạnh tranh năng động, lành mạnh trong toàn bộ hệ thống nhằm nâng cao sự đóng góp của hệ thống giáo dục đại học tới sự phát triển chung của quốc gia đặc biệt là sự phát triển trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu.

Xây dựng mô hình đại học thông minh là xu thế tất yếu

Chia sẻ về vấn đề xây dựng mô hình đại học thông minh, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục số đã khẳng định thế mạnh để mang tri thức đến cho mỗi người. Việc xây dựng “hệ sinh thái giáo dục thông minh” trên nền tảng công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội học tập và đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa học tập.

Dựa trên lý thuyết mô hình hệ sinh thái của Bronfenbrenner (1999), hệ sinh thái giáo dục thông minh có thể được chia theo cấu trúc gồm 4 lớp như sau:

Lớp đầu tiên, cá nhân người học và những tác động trực tiếp đến người học hoặc những tương tác trực tiếp giữa người học với giảng viên, người hỗ trợ; với môi trường công nghệ, nội dung theo quy tắc và văn hóa được xác định trong phạm vi này.

Lớp thứ hai, hệ thống các trường đại học tham gia tạo nên hệ sinh thái rộng lớn với vai trò chuyên môn và cung cấp giảng viên, môi trường hạ tầng công nghệ và nội dung/nguồn tài nguyên học tập, các dịch vụ hỗ trợ người học.

Lớp thứ ba, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chuyên gia tham gia với vai trò chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.

Lớp cuối cùng, các cơ quan quản lý, chỉ đạo cấp vĩ mô cùng với các chính sách, thể chế,điều tiết ở tầm vĩ mô đối với các hoạt động của hệ sinh thái, môi trường hệ sinh thái,tạo điều kiện và động lực cho người học, đẩy mạnh việc học tập thường xuyên, suốt đời.

Trên thế giới, mô hình này cũng đã được nhiều nước như Anh, Nga, Australia, Mỹ, Pháp triển khai như: hệ sinh thái giáo dục toàn cầu, trường học thông minh, hệ sinh thái học tập STEM.

Theo đó, tại Việt Nam, việc xây dựng nhà trường như một hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục thông minh là xu hướng tất yếu của giáo dục 4.0 được định hướng trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhiều mô hình, dự án, đề án đã triển khai ở những cấp độ, nội dung khác nhau trong cả nước như: Giáo dục STEM Việt Nam, Mô hình trường học hạnh phúc, Dự án EMVITET, Hệ sinh thái kết nối học tập Youth+, Dự án Brickone , Hệ sinh thái kết nối tri thức 4.0 TOTA, Dự án “Ngôi trường số - TOTA School”, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam…

Nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp các giải pháp giáo dục trực tuyến. Các ứng dụng này có tác động tích cực đến việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Đây chính là động lực để triển khai các nghiên cứu về vấn đề xây dựng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến tại trường đại học, trong đó có trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

"Xây dựng Hệ sinh thái giáo dục thông minh là cái đích mà nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đang hướng đến. Việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến luôn gắn liền với hoạt động của trường Đại học Thủ đô Hà Nội và phục vụ chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội, hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, sáng tạo", Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường cho biết.

Nguồn: Giaoduc.net.vn