12/08/2024 16:11

Triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025

Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Năm học 2023-2024, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho học sinh, sinh viên tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng.

Đại biểu dự hội nghị

Các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử. Toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường với các nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế.

Việc giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị của học sinh, sinh viên, đặc biệt trên môi trường mạng được các nhà trường quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp. Các cơ sở GDĐT chủ động tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh, sinh viên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, xã hội để nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc.

Trong năm học qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt báo cáo tại hội nghị

Đối với công tác học sinh, sinh viên, trong năm học 2023-2024, Bộ GDĐT tiếp tục chú trọng thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên; triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; công tác giáo dục an toàn giao thông; công tác tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công tác phối hợp thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương và công tác truyền thông về các nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Trong đó, năm học 2023-2024, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ban, bộ, ngành có liên quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an… trong việc xây dựng các văn bản chính sách và tổ chức triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Theo Vụ trưởng Trần Văn Đạt, để các nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên được thực hiện hiệu quả, trong năm học tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông; tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người học; nâng cao chất lượng nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Đại biểu trao đổi tại hội nghị

Trao đổi về việc triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang Đào Thị Hường cho biết: 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học và trên không gian mạng, 100% các trường phổ thông thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh. Năm học 2023-2024, đã có hơn 30 nghìn học sinh được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ những khó khăn về tư tưởng, tâm lý, trong đó 54 em thuộc diện có nguy cơ bỏ học đã được hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo học. 

Với thế mạnh là một trường đại học đào tạo đa ngành nghề, đại diện Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: Nhà trường luôn tích cực, chủ động trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Mỗi năm, nhà trường tổ chức hơn 800 sự kiện với nhiều nhóm sự kiện khác nhau bao gồm diễn đàn/hội thảo/tọa đàm/workshop đa dạng các lĩnh vực từ học thuật, kỹ năng, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Ngoài ra, cũng tổ chức hơn 100 chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ, lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia và lan tỏa những ý nghĩa về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiệm vụ nền tảng để xây dựng “ngôi nhà” giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao và trân trọng các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội nghị, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GDĐT tiếp thu đầy đủ, để bổ sung, hoàn chỉnh, đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ trong năm học 2024-2025.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội nghị

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần phải tiếp tục nhận thức và có thay đổi nhận thức công tác này ở tất cả các cấp. Bởi theo Thứ trưởng, mục tiêu, nhiệm vụ, công tác tư tưởng, công tác chính trị, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống là gốc là nền tảng, là cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục với những chương trình, kế hoạch và những đổi mới.

Nhận định đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp và nhạy cảm, do vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng và không phải qua một thời gian ngắn là có thể đánh giá được kết quả, Thứ trưởng đồng thời cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nhiệm vụ này.

Với đặc thù là lĩnh vực lớn, nhiệm vụ nhiều, do đó Thứ trưởng lưu ý, các nhiệm vụ cần có trọng tâm, lộ trình và kế hoạch. Trong đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực này. Đặc biệt là rà soát lại các văn bản, quy định, quy chế. “Nếu văn bản, quy định còn hiệu lực và phù hợp thì cần bắt buộc thực hiện. Nếu văn bản, quy định không còn phù hợp cần phải có bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Có như vậy công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo mới đúng hướng, phù hợp và hiệu quả”, Thứ trưởng nói.

Về nội dung chuyên môn, đối với công tác chính trị, tư tưởng Thứ trưởng lưu ý, cần xây dựng nên giá trị và hệ giá trị. Học sinh và sinh viên phải được tiếp cận với những giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại để có những giá trị đạo đức chuẩn mực nhưng vẫn tiếp cận được với những năng lực hiện đại của công dân toàn cầu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường, lưu ý về công tác nhân sự; công tác phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội…

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ GDĐT đã tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên lấy ý kiến ở khối các cơ sở giáo dục đại học và khối các sở GDĐT

Nguồn: Moet.gov.vn