Thực hiện tự chủ, trường đại học đang phải tuân thủ một “rừng” luật, nghị định
Năm 2019, Chính phủ cho phép 3 cơ sở đại học (gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) được thí điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu của Chủ tịch Hội đồng trường cao hơn quy định trong Bộ Luật lao động. Đặc biệt, người lao động nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại 3 trường này và có xác nhận của các trường này thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Quyền tự chủ của trường phải tuân thủ nhiều luật và nghị định
Thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, tại phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cho phép 3 cơ sở giáo dục đại học (gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) được thí điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu cao hơn (không quá 65 đối với nam và không quá 60 đối với nữ) đối với Chủ tịch Hội đồng trường.
“Việc này phát huy năng lực, uy tín, kinh nghiệm của cán bộ khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng trường. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã vận dụng được nghị quyết này để giới thiệu và bầu Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt - nguyên hiệu trưởng nhà trường giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường. Tuy nhiên, đến năm 2021, thực hiện chủ trương của Đảng, bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt đã thôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt với uy tín cao, nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, mặc dù trên 60 tuổi, nhưng đã phát huy rất tốt trách nhiệm cũng như quyền hạn của Hội đồng trường trong quản trị nhà trường. Theo tôi, đây là nội dung thí điểm đúng, tuy vậy, cần phải tuân theo định hướng của Đảng nên nội dung thí điểm này cần dừng lại”, thầy Thọ nêu.
Về việc, Chính phủ cho phép người lao động nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại 3 cơ sở giáo dục đại học này và có xác nhận của các trường này thì không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Theo Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ đánh giá, đây là cơ chế mở, tạo thuận lợi cho các trường mời được các nhà khoa học quốc tế về làm việc tại trường. Tuy nhiên, cơ chế mới mở một phần và còn nhiều ràng buộc mang tính rào cản để các trường có thể “mời” các nhà khoa học giỏi quốc tế về đóng góp cho trường.
Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: NVCC)
“Đơn cử, thủ tục xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, theo điều 4 Sử dụng lao động người nước ngoài, Nghị định 152/2020/NĐ-CP, các thủ tục “xin” xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động mang tính hành chính, tốn rất nhiều thời gian. Do vậy, với cơ chế mở nửa vời này, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không vận dụng được và vẫn khó khăn khi sử dụng các nhà khoa học nước ngoài trong giảng dạy và nghiên cứu”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu thực tế.
Thực tế cho thấy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép Hội đồng trường ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường; cho phép quyền tự chủ trong công tác nhân sự gồm cả tuyển dụng và bổ nhiệm, nhưng vẫn thêm câu "phù hợp với quy định của pháp luật".
Phó Giáo sư Bùi Đức Thọ cho rằng chính những “ổ khóa” ngoằng nhau như vậy đã làm cho quyền tự chủ của trường phải tuân thủ theo một “rừng” các luật và nghị định. Chính những quy định chồng chéo nhau giữa các luật, nghị định, thông tư đã làm cho hành lang pháp lý mà các trường phải tuân thủ trở nên rất hẹp khi thực hiện quyền tự chủ. Những hành lang này không còn là khung khổ pháp lý nữa mà là những quy định mang tính cầm tay chỉ việc, không còn sự lựa chọn cho quyền tự chủ.
Thầy Thọ nêu đơn cử, Nghị định 85/2023/NĐ-CP, cũng như Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã quy định rất chi tiết trình tự, nội dung, thời gian thực hiện các bước của quy trình tuyển dụng đến mức không còn nhiều khoảng trống cho quyền tự chủ. Quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian có thể dẫn đến mất cơ hội “săn” được người giỏi về trường. Trong khi đó nội dung sử dụng và quản lý viên chức lại không đề cập đến “luân chuyển”, “điều động” viên chức, đã làm mất đi một công cụ quản trị nhân sự quan trọng mà các trường cần áp dụng để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Cần có một nghị định riêng đối với các trường đại học tự chủ
Thực tế cho thấy ngoài Luật 34/2018/QH14 thì nhiều Luật chuyên ngành khác đang quy định quá tiểu tiết dẫn tới tính tự chủ của các trường đại học bị bó hẹp. Trong khi các trường tự chủ, phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội và trước pháp luật, chịu trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan về các quyết định quản lý của mình.
Thầy Thọ đánh giá, 23 cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ theo Nghị định 77/NQ-CP đều là các đơn vị có năng lực, có tiềm năng vươn lên, qua đó dẫn dắt sự phát triển của giáo dục đại học nói chung. Tuy nhiên, quyền tự chủ của các đơn vị này vẫn đang bị ràng buộc chồng chéo bởi nhiều luật và nghị định. Nếu muốn tạo hành lang pháp lý thông thoáng, phát huy quyền tự chủ của các đơn vị, sẽ cần phải sửa đồng thời nhiều nghị định hướng dẫn thi hành nhiều luật, như Luật Giáo dục đại học, Luật viên chức, Luật ngân sách, Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công…Cách làm này mất rất nhiều thời gian và không khả thi, do các luật nêu trên điều chỉnh nhiều đối tượng khác nhau và cần những quy định mang tính chung nhất, khó có thể quy định chi tiết cho từng đối tượng cụ thể.
“Do vậy, rất cần có một nghị định riêng, điều chỉnh cho đối tượng là các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ. Tại nghị định này, sẽ giải thích, hướng dẫn việc thi hành các luật có liên quan một cách đồng bộ, qua đó tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học phát huy được quyền tự chủ của mình”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất.
Thầy Thọ thông tin thêm, trong thời gian tới, Câu lạc bộ các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ, thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ họp bàn, thống nhất chi tiết các nội dung cần chỉnh sửa trong nghị định để gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tới các cơ quan có liên quan thuộc Chính phủ.
Để từng bước gỡ khó cho hệ thống giáo dục đại học, thầy Thọ cho rằng, năm Giáp Thìn 2024, cơ quan quản lý cần nhất quán quan điểm, cơ sở giáo dục đại học tự chủ phải gắn chặt với trách nhiệm giải trình; cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung vào điều tiết vĩ mô để đảm bảo các cơ sở vận hành theo đúng định hướng, tập trung vào kiểm tra, giám sát và dần rút hẳn bàn tay can thiệp, cơ chế xin-cho. Những định hướng cần tập trung đối với các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đưa các cơ sở giáo dục đại học vươn lên tầm quốc tế.
"Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước cần xác định rõ quan điểm cần tin tưởng trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường kiểm tra giám sát, rút bỏ cơ chế bộ chủ quản, tăng cường cơ chế điều tiết vĩ mô. Thông quan điểm rồi mới bắt tay vào xây dựng nghị định riêng cho các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ", thầy Thọ nêu quan điểm.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/thuc-hien-tu-chu-truong-dai-hoc-dang-phai-tuan-thu-mot-rung-luat-nghi-dinh-post240775.gd