Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nhiều trường đại học vi phạm khi tự chủ mở ngành
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 tại gian tư vấn của Trường đại học Hoa Sen - Ảnh: N.T.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có kết luận thanh tra các trường đại học về tự chủ mở ngành đào tạo.
Giảng viên cơ hữu không đảm bảo, mở ngành trái quy định, khảo sát nhu cầu xã hội chưa đầy đủ dẫn đến trường không tuyển sinh được, phải đóng ngành.
Chưa đảm bảo điều kiện mở ngành
Với Trường đại học Hoa Sen, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận tại thời điểm mở ngành, 12 ngành trình độ đại học trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.
Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng có các vi phạm tương tự về tự chủ mở ngành. Có 11 ngành trường dừng tuyển sinh từ năm 2022 và 2 ngành dừng tuyển sinh từ năm 2023.
Trong đó có ngành khi thực hiện mở, trường đã khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.
Tại thời điểm mở ngành, 7/16 ngành trình độ đại học trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.
Trường đại học quốc tế Hồng Bàng tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành trình độ đại học trường tự chủ mở có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở.
Trong khi đó, Thanh tra bộ cho rằng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tự chủ mở ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định.
Thanh tra bộ quy trách nhiệm các vi phạm này cho ban giám hiệu trường và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trong đó, đến ngày 9-9-2022, trong khi trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, trên cơ sở văn bản của Đại học Quốc gia TP.HCM giao, trường ban hành quyết định mở ngành đối với từng ngành cụ thể.
Hiệu trưởng ký ban hành quyết định mở ba ngành trình độ đại học, hai ngành trình độ thạc sĩ và một ngành trình độ tiến sĩ sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định.
Thời điểm trường ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ, ngành Hàn Quốc học trình độ đại học của trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định.
Đại học Quốc gia TP.HCM vi phạm luật khi có quyết định giao các trường thành viên mở ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ.
Học viện Nông nghiệp mở ngành luật có đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhưng chưa đảm bảo có tối thiểu ba tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực pháp luật.
Khảo sát một đằng, thực tế một nẻo
Trong hai năm 2022 và 2023, Trường đại học Thủ Dầu Một tạm dừng tuyển sinh hơn chục ngành - Ảnh: N.T.
Ngoài các thiếu sót, vi phạm về pháp lý, đội ngũ giảng viên khi các trường tự chủ mở ngành, Thanh tra bộ còn chỉ ra khảo sát nhu cầu nhân lực của ngành khi trường mở ngành chưa thực hiện đầy đủ.
Điều này dẫn đến việc trường mở ngành nhưng phải dừng tuyển sinh, trường không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.
Trong đó, Trường đại học Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được 6 ngành từ năm 2021 - 2022, ngành Nhật Bản học từ năm học 2022 - 2023 và tạm dừng tuyển sinh 4 ngành.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thanh tra bộ, là có ngành khi thực hiện mở, trường đã thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ, dẫn đến không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh với số lượng rất thấp kể từ khi mở ngành.
Chỉ tính riêng năm 2023, trường đại học này báo cáo bộ đề nghị tạm dừng tuyển sinh các ngành: phim, Hoa Kỳ học, bất động sản, bảo hiểm, Nhật Bản học và luật quốc tế.
Trong đó ngành luật quốc tế được Trường đại học Hoa Sen mở năm 2021 nhưng đến tháng 2-2023 đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng tuyển sinh.
Trong đề án mở ngành luật quốc tế năm 2021, trường này tổ chức khảo sát nhiều đối tượng khác nhau, tổ chức các hội thảo. Kết quả của các khảo sát và hội thảo này là nhu cầu người học và nhu cầu nhân lực rất cao. Việc mở ngành luật quốc tế là cần thiết vì đây là nhu cầu thật của thị trường lao động.
Trường đại học quốc tế Hồng Bàng cũng tạm dừng tuyển sinh 7 ngành vì lý do tương tự. Trường có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng tuyển sinh các ngành: giáo dục thể chất, thiết kế thời trang, quản lý công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.
Cũng vì lý do khảo sát nhu cầu xã hội khi mở ngành không đầy đủ mà chỉ trong hai năm 2022 và 2023, Trường đại học Thủ Dầu Một tạm dừng tuyển sinh đến 13 ngành. Trong đó năm 2022 tạm dừng tuyển sinh 11 ngành: lịch sử, văn học, văn hóa học, toán kinh tế, chính trị học, địa lý học, quốc tế học, sinh học ứng dụng, vật lý học, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, quản lý đô thị. Hai ngành tạm dừng tuyển sinh năm 2023 là quản lý văn hóa, quản lý công.
Trong số 13 ngành dừng tuyển sinh, có 4 ngành không còn sinh viên theo học.
Điều đáng nói là nhiều ngành tạm dừng tuyển sinh chỉ mới được mở trong các năm 2020-2022. Trong đó ngành quản lý công mở năm 2022. Trong hồ sơ mở ngành năm 2022, trường khảo sát 46 công ty về nhu cầu tuyển dụng trong 4 năm tới và khẳng định có nhu cầu tuyển dụng.
Ở một luận điểm khác, trường cho rằng nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý công đang thiếu tại địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong hồ sơ mở ngành không thấy khảo sát nhu cầu học ngành quản lý công dành cho đối tượng là học sinh.
Nguồn: Theo tác giả Minh Giảng trên https://tuoitre.vn/