Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, Tự chủ đại học là bước tiến
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, chủ trương về tự chủ đại học rất đúng, có ý nghĩa đột phá phát triển giáo dục đại học của Việt Nam. Chúng ta có Nghị quyết 19 của Trung ương và đưa vào Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), thực hiện thí điểm tự chủ ở 23 trường đại học từ 7 năm trước - là quyết định đúng. Điều này minh chứng đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng từng có thời kỳ hoàng kim khi thực hiện cơ chế tự chủ (lọt top 400 của thế giới giai đoạn 2015-2020).
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đến nay nhìn lại tổng thể việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn nhiều lúng túng, nhất là quan điểm về tự chủ tài chính. Cụ thể, chúng ta vẫn đang đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực. Trao quyền tự chủ cho trường đại học nhưng chưa xác định rõ quyền tự chủ đó là của ai? Chưa có sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học (Luật 34) với nhiều luật, nghị định và hướng dẫn như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Viên chức,... chưa có hệ thống văn bản pháp lý nhất quán, phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường.
Từ khi thực hiện Nghị quyết 77 đến nay vẫn chỉ dừng lại ở 23 trường đại học thí điểm tự chủ. Điều đáng nói là tự chủ đại học hiện nay ở nước ta vẫn đang hiểu theo thiên hướng tự túc. Trong khi đó, quá trình tự chủ thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở cơ quan chủ quản và hiệu trưởng sang hội đồng trường. Nếu không thể chế hóa chức năng và các mối quan hệ, các bước đi thích hợp thì khó thực hiện tự chủ đại học.
Chúng ta hiểu, cơ chế tự chủ là cơ chế thể hiện quyền làm chủ thật sự của trường đại học theo đúng tinh thần của Luật 34. Ở đó, mô hình quản trị đại học thay đổi theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền cao nhất trong trường, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan,...
Qua một số cuộc điều tra gần đây cho thấy, nhiều trường đại học (trong đó không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ) còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ.
Nghị quyết 19 nêu hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường, có thực quyền. Tuy nhiên, hiện nay không ít trường đại học thành lập hội đồng trường nhưng chưa thực sự thực quyền.
Để khắc phục và tìm lối đi cho tự chủ đại học ở Việt Nam, trước hết, cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp cơ chế tự chủ. Phải gắn liền việc trao quyền tự chủ với nâng cao trách nhiệm giải trình của trường.
Chưa hết, nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học đã được tự chủ. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng như ở các Nghị quyết 89/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Thêm nữa, phải hình thành bộ quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban Giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, tốt nhất phải tách bạch quyền hạn, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, hội đồng trường với hiệu trưởng và tập thể ban giám hiệu. Để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như tình hình thực tế, nên định hướng rõ hiệu trưởng không kiêm Bí thư Đảng ủy mà chủ tịch hội đồng trường mới kiêm Bí thư Đảng ủy, như đã khẳng định tại Nghị quyết 19 để gắn kết hai cơ quan đứng đầu này trong việc đưa ra những quyết sách, định hướng phát triển của trường.