Phó Thủ tướng kỳ vọng Hiệp hội đại diện tiếng nói chung cho các trường để tự chủ
Phát biểu tại "Hội nghị tự chủ đại học 2022” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào ngày 04/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đổi mới giáo dục và tự chủ đại học là một chặng đường dài, nhiều khó khăn, gian nan và rất nhiều hi sinh.
Đây là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức, các trường cần phải thống nhất hành động, nơi nào chưa thống nhất trong nhận thức thì cần phải xem xét lại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ đại học là con đường một chiều, chỉ tiến chứ không lùi, không quay lại. Ảnh: Doãn Nhàn |
Tự chủ đã đi vào Nghị quyết Trung ương, được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc, chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, không thể vì một số cái chưa tốt, một số vướng mắc, trục trặc mà bàn quay lại chủ trương được.
Cần phải thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn, đổi mới giáo dục trong đó có giáo dục đại học là phải theo đúng xu thế quốc tế.
Tự chủ không có nghĩa là tự do, không có nghĩa là tự lo, mà phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam và xu hướng thế giới.
Mục đích cuối cùng của tự chủ là để phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục đại học của chúng ta vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng.
Không gian để phát triển giáo dục đại học của chúng ta cả về số lượng lẫn chất lượng còn cả một chặng đường rất dài phía trước.
Mở rộng giáo dục đại học, con em chúng ta có cơ hội để tiếp cận giáo dục đại học, nhưng cho tự chủ, nâng học phí lên mà không có cơ chế về quỹ học bổng, học phí thì không công bằng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học phải làm sao để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, bao gồm con người, nguồn lực tài chính, phải phát huy hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước và phải thu hút mạnh đầu tư của doanh nghiệp.
Cuối cùng, làm sao tự chủ đại học thay đổi quản trị các trường đại học thành mô hình quản trị tiên tiến và đặc biệt trở thành hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học, văn hóa.
Về những kết quả tích cực của tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, các chỉ số liên quan đến chất lượng, xếp hạng đại học của Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể, giáo dục đại học đã có nhiều kết quả tích cực trên các bảng xếp hạng khu vực, thế giới.
Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện tự chủ đại học
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng khẳng định, tự chủ không phải tự lo, tự do mà phải theo định hướng của nhà nước, phải theo quy định của pháp luật và gắn với trách nhiệm giải trình.
Phải đặt vấn đề vì sao một số trường chưa tự chủ được, tại sao còn trường chưa kiểm định được? Tại sao một số trường chưa thành lập hội đồng trường? Luật đã quy định là phải thực hiện.
Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát ý kiến các trường, các trường đánh giá nhiều tiêu chí tốt lên, tốt, vừa, hạn chế. Vậy các trường cơ bản đánh giá tốt lên, thế có trường có vài chỉ tiêu chỉ được vài phần trăm là những trường nào, vì sao, chúng ta phải làm rõ vấn đề này.
Các trường cũng phải có bộ Quy chế nội bộ, như bộ luật của nhà trường, quy chế phải công khai, minh bạch, kể cả vấn đề lương, thưởng, trường nào chưa có học bổng, hỗ trợ học phí cho các đối tượng chính sách?
Trường nào Chủ tịch Hội đồng trường chưa là Bí thư Đảng ủy là vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định của Đảng.
Một vấn đề nữa là khi thực hiện tự chủ đại học, chúng ta bắt đầu phá tư duy cũ, tư duy chủ quản không cho tự chủ, điều này cần phải làm quyết liệt hơn, tạo không khí, môi trường trong nhà trường dân chủ khoa học.
Giáo dục đại học nhất thiết theo xu hướng của quốc tế, tiến tới phấn đấu vào bảng xếp hạng khu vực, quốc tế. Tiếp tục hướng dẫn, cổ vũ tạo điều kiện kiểm định quốc tế, xếp hạng quốc tế, công bố quốc tế.
Bên cạnh đó, giáo dục đại học phải là tiên phong trong trong chuyển đổi số, phải sáng tạo ra tri thức mới, Nhất thiết phải có đổi mới căn bản trong các cơ sở giáo dục đại học. Để làm được điều này, cần có các chiến lược, giải pháp đột phá trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải xem lại vấn đề kiểm định sao cho đây không còn là “nút thắt” để các trường có đủ điều kiện tự chủ. Đồng thời, đảm bảo việc thành lập các Hội đồng cơ cấu theo quy định, tháo gỡ nút thắt về tự chủ nhân sự, tự chủ tài chính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học là con đường một chiều không được quay lại, chỉ có tiến lên, không được lùi, các trường đại học cần vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình. Con đường phía trước còn rất dài,nhiều khó khăn, chúng ta phải cùng nhau vượt qua.
Phó Thủ tướng kỳ vọng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ là đại diện cho tiếng nói chung của các trường đại học để cùng nhau tiến bước trên con đường tự chủ.
“Hành trình này còn rất nhiều điều mới mẻ, khó lường mà chưa ai hình dung được, chúng ta phải sẵn sàng thích ứng với nó.
Cuối cùng, tôi mong muốn các trường đại học sẽ hình thành một hình mẫu về quản trị, là một môi trường mà ở đó mọi giá trị tốt đẹp được thể hiện, lan tỏa ra ngoài xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Nguồn: Giaoduc.net.vn