15/07/2022 10:45

Những vấn đề đặt ra với giáo dục đại học trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện

Mục đích của Hội nghị thế giới lần thứ ba về giáo dục đại học do UNESCO tổ chức tại Barcelona (18-22/5/2022) là cùng tư duy lại, hình dung lại, sáng tạo lại giáo dục đại học, trong bối cảnh gia tăng các thách thức toàn cầu mang tính phá hủy, để giáo dục đại học đóng góp thành công vào sự phát triển bền vững của hành tinh và nhân loại.

Chính vì vậy, Hội nghị đã thảo luận sâu về 10 chủ đề: Tác động của covid-19 lên giáo dục đại học; Giáo dục đại học và các mục tiêu phát triển bền vững; Bình đẳng, hòa nhập và đa dạng người học; Chất lượng và sự phù hợp của các chương trình; Di chuyển học thuật trong giáo dục đại học; Quản trị trong giáo dục đại học; Tài chính giáo dục đại học; Sản sinh tri thức và dữ liệu; Hợp tác quốc tế để tăng cường sức mạnh tổng hợp; Các tương lai của giáo dục đại học.

Trên cơ sở các thảo luận trên, với tầm nhìn hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững 2030 cùng các tương lai của giáo dục đại học đến 2050, Hội nghị đã thống nhất đề xuất một lộ trình sáng tạo lại giáo dục đại học vì một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn và bền vững hơn. “Lộ trình đưa ra các chỉ dẫn để cùng tạo ra các hệ thống giáo dục đại học mở, hòa nhập, bình đẳng và hợp tác hơn, nhằm dân chủ hóa tiếp cận và tri ​​thức. Nó khuyến khích sự thay đổi tư duy để ưu tiên hợp tác thay vì cạnh tranh; đa dạng thay vì đồng nhất; các lộ trình học tập linh hoạt thay vì các lộ trình có cấu trúc truyền thống; mở thay vì tinh hoa” [1].

Bài viết này muốn dựa vào các chỉ dẫn đó để nhìn lại lộ trình của giáo dục đại học Việt Nam trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học

Lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học thể hiện ở 4 chuyển đổi:

Thứ nhất, chuyển từ giáo dục chủ yếu theo tiếp cận nội dung sang giáo dục theo tiếp cận năng lực;

Thứ hai, chuyển giáo dục từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả;

Thứ ba, chuyển giáo dục từ một hệ thống kín sang hệ thống mở, linh hoạt và liên thông;

Thứ tư, chuyển từ giáo dục có chiều hướng hư học sang thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, gắn với xây dựng xã hội học tập.

Ảnh minh họa: Phương Linh

Đến nay, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã được triển khai gần 10 năm trên cả hệ thống cũng như tại từng cơ sở giáo dục đại học. Nhìn từ góc độ các nhiệm vụ, giải pháp đã được tổ chức thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy giáo dục nước ta nói chung, giáo dục đại học nói riêng, đã có bước tiến đáng kể.

Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã chỉ ra những kết quả bước đầu quan trọng về hoàn thiện thể chế giáo dục, cải thiện chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và quản trị, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ đổi mới căn bản và toàn diện theo lộ trình với 4 chuyển đổi nêu trên thì có thể thấy các bước chuyển đang diễn ra khá chậm và lúng túng. Bước chuyển tương đối rõ nét nhất là chuyển sang chú trọng chất lượng và hiệu quả khi mà trong những năm gần đây chúng ta đã quan tâm phát huy quyền tự chủ đại học và đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng. Bước chuyển sang giáo dục thực học, thực nghiệp còn lúng túng khi mà khung trình độ quốc gia vẫn chưa được tổ chức thực hiện. Điều đó khiến cho việc chuyển sang đào tạo theo tiếp cận năng lực còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Bước chuyển sang giáo dục mở mới chỉ dừng lại chủ yếu ở một số hội thảo học thuật và những tập huấn riêng lẻ.

Việc tổ chức thực hiện thành công các chuyển đổi trên đến năm 2030 là cấp thiết. Đó là vì theo yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, giáo dục đại học có trách nhiệm góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trong một bối cảnh đã khác trước. Đó là bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà bản chất là áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những yêu cầu mới của bối cảnh trong nước nói trên, còn phải kể đến bối cảnh toàn cầu cùng những định hướng mới cho sự phát triển của giáo dục đại học mà Hội nghị giáo dục đại học thế giới mới đây đã chỉ ra.

Bối cảnh mới và những thách thức mới

Giáo dục đại học đang vận động trong một bối cảnh với những thách thức mang tính toàn cầu.

Trước hết, nghiêm trọng nhất, là tình trạng biến đổi khí hậu và sự mất đa dạng sinh học.

Tiếp theo là tình trạng dai dẳng của xung đột vũ trang.

Thứ ba là sự gia tăng nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập giữa và trong các nước.

Thứ tư là sự suy giảm về tự do học thuật, về tư duy độc lập, về tự chủ đại học, về nghiên cứu khoa học trong những vấn đề nhạy cảm xã hội.

Bối cảnh trên kéo theo những thay đổi căn bản trong giáo dục đại học. Cùng với việc mở rộng quy mô đầy ấn tượng của giáo dục đại học suốt mấy thập kỷ gần đây là sự gia tăng khoảng cách phát triển giữa các khu vực và các quốc gia cả về quy mô, chất lượng và công bằng xã hội.

Thay đổi căn bản thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của quốc tế hóa giáo dục đại học với sự ra đời của “thế hệ thứ hai” các công ước về công nhận văn bằng, sự lên ngôi của các phương thức đào tạo từ xa và giáo dục xuyên biên giới, cùng các thách thức về bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt đáng quan tâm là vai trò ngày càng sâu rộng của công nghệ trong đổi mới sáng tạo giáo dục đại học với việc mở đường cho sự phát triển của khoa học mở, giáo dục mở, giáo dục số. Việc cấp tài chính cho giáo dục đại học cũng đang thay đổi với xu thế cắt giảm ngân sách nhà nước, gia tăng học phí và các khoản thu khác.

Các khuôn khổ giải trình cũng gia tăng về tính phức tạp để vừa giữ vững các tiêu chuẩn chất lượng vừa khuyến khích sự linh hoạt trong dạy và học trong bối cảnh các hệ thống giáo dục đại học ngày càng đa dạng về cả tổ chức và hoạt động.

Cuối cùng, đại dịch covid-19 đã là cú hích để thấy rằng, một mặt cần thay đổi căn bản các mô hình kinh tế của giáo dục đại học để nâng cao tính tự cường của giáo dục đại học; mặt khác hạ tầng công nghệ thông tin mạnh và các chương trình hỗ trợ tài chính toàn diện là không thể thiếu để thúc đẩy sự hòa nhập.

Quan điểm mới và lộ trình mới về giáo dục đại học

Theo quan điểm của UNESCO thì giáo dục đại học là một lợi ích công và là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện quyền con người về giáo dục. Vì thế giáo dục đại học phải là một hệ thống nhất thể, nơi mà sự đa dạng góp phần tạo nên các con đường học tập khác biệt, linh hoạt cho thanh niên và người lớn.

Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện cả 3 sứ mệnh của mình, truyền bá các giá trị và nguyên tắc dân chủ. Các cơ sở này cũng phải vượt qua các ranh giới về ngành học, về chuyên ngành, về nhận thức, về danh tiếng và về loại trường. Mục đích là để mở rộng các cơ hội giáo dục, thúc đẩy sự xuất sắc nghề nghiệp, nuôi dưỡng những công dân thực thụ cam kết với công bằng xã hội và bền vững.

Quan điểm trên được cụ thể hóa thành các nguyên tắc sau đây trong việc xác định lộ trình của giáo dục đại học đến 2030 và sau nữa:

Bảo đảm công bằng, hòa nhập và đa dạng người học;

Thực thi tự do học thuật và sự tham dự của mọi bên có liên quan;

Thúc đẩy tư duy phê phán, theo đuổi chân lý và sáng tạo;

Đề cao tinh thần liêm chính và các giá trị đạo đức;

Cam kết đóng góp vào phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội;

Theo đuổi sự ưu tú thông qua hợp tác chứ không phải cạnh tranh.

Trên cơ sở các quan điểm và nguyên tắc nêu trên, Hội nghị giáo dục đại học thế giới đề xuất lộ trình sáng tạo lại giáo dục đại học với 6 chuyển đổi căn bản sau đây:

Chuyển từ hệ thống tinh hoa, phân biệt đối xử, đôi khi xa lánh các nhiệm vụ công sang hệ thống bảo đảm quyền của con người về giáo dục đại học thông qua việc tiếp cận giáo dục đại học công bằng, được tài trợ tốt và bền vững.

Chuyển từ hệ thống tập trung đào tạo chuyên ngành hoặc chuyên nghiệp sang hệ thống chú trọng giáo dục, đem lại cho sinh viên những trải nghiệm học tập toàn diện, thúc đẩy các giá trị dân chủ và sự phong phú của con người.

Chuyển từ hệ thống các cơ sở giáo dục đại học biệt lập sang hệ thống liên ngành và xuyên ngành, đối thoại rộng mở và hợp tác tích cực với góc nhìn đa dạng.

Chuyển từ một hệ thống cứng nhắc đón nhận người học sau trung học sang hệ thống học tập suốt đời với những lộ trình học tập linh hoạt để đem lại một khuôn khổ nhất quán và phong phú hơn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của con người.

Chuyển từ một tập hợp các cơ sở, chương trình có thứ bậc và kết nối yếu sang một hệ thống nhất thể các chương trình đa dạng, phương thức học tập linh hoạt để mở rộng các cơ hội giáo dục cho thanh niên, người lớn, tránh các ngõ cụt.

Chuyển từ mô hình giảng dạy công nghiệp sang mô hình các trải nghiệm học tập được dẫn dắt bởi phương pháp sư phạm và được làm giàu bởi sức mạnh công nghệ, nơi người học tự quản lý lộ trình học tập của mình.

Vấn đề đặt ra với giáo dục đại học Việt Nam

Trên cơ sở của lộ trình được đề xuất nêu trên, UNESCO khuyến cáo các quốc gia cùng tư duy lại về giáo dục đại học để xác định lộ trình phù hợp với bối cảnh, thách thức của riêng mình; xác định những ưu tiên riêng, những mục tiêu cụ thể và những giải pháp thực hiện.

Như vậy, vấn đề đối với Việt Nam là đối sánh lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam với lộ trình UNESCO nêu trên để xem có thể tham khảo, học tập, điều chỉnh, bổ sung điều gì.

Về bản chất, 6 chuyển đổi trong lộ trình UNESCO quy về xây dựng một hệ thống giáo dục đại học mới với những đặc tính sau đây: mở, linh hoạt và liên thông, học tập suốt đời; đa ngành, liên ngành và xuyên ngành; đa dạng, hợp tác và kết nối; phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin. Về cơ bản đó là một hệ thống được tái cơ cấu một cách căn bản nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người, suốt đời, mọi lúc, mọi nơi.

Đó cũng là mục đích mà giáo dục đại học Việt Nam theo đuổi trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện. Bốn chuyển đổi mà giáo dục đại học Việt Nam phải thực hiện chính là lộ trình tái cơ cấu phù hợp với bối cảnh cụ thể và đặc trưng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đáng quan tâm là trong Quyết định 209/QĐ-TTg ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mục tiêu được đề ra là: “Thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương”.

Hệ thống giáo dục đại học theo quy hoạch mạng lưới nêu trên chính là kết quả đầu ra của bốn chuyển đổi trong đổi mới căn bản và toàn diện. Đó cũng chính là hệ thống giáo dục đại học mà lộ trình UNESCO hướng tới.

Như vậy, về mặt chủ trương, chính sách, chúng ta luôn có điểm mạnh là đón đầu được sự vận động của thực tiễn và bắt kịp xu thế của giáo dục đại học thế giới.

Vì thế vấn đề đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam không phải là đổi mới về chủ trương, chính sách mà đổi mới về tổ chức thực hiện. Sự chậm trễ của giáo dục đại học nước ta trong bốn chuyển đổi trên lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện là vấn đề cần có sự đánh giá và nhận dạng kịp thời để có hướng khắc phục.

Việc xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong từng chuyển đổi, giải pháp thực hiện, cơ chế giám sát và đánh giá nhất thiết phải được đặt ra để có thể đo lường được chính xác bước tiến trong từng chuyển đổi. Đó chính là những vấn đề cần được làm rõ trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược giáo dục đại học trong khuôn khổ của Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo:

[1]. UNESCO. 2022. Beyond limits. New ways to reinvent higher education. Working document for the World Higher Education Conference. 18-20 May 2022

Nguồn: Giaoduc.net.vn