Những kết quả về GD&ĐT của TPHCM sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
Chiều ngày 9/1/2024, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đến tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; PGS, TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan, các đơn vị trường học tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã thực hiện tinh giản nội dung, giúp học sinh tập trung hoàn thành các nội dung cốt lõi, đặc biệt, giáo viên có thể thực hiện việc tích hợp hoặc ghép các nội dung kiến thức thành bài học hoặc chủ đề dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Đối với Giáo dục mầm non: Khuyến khích các đơn vị có điều kiện phát triển chương trình phù hợp với khả năng, nhu cầu thực tiễn tại đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non, hướng dẫn vận dụng một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, STEM, Montessori, Reggio, Melia...; học tập mô hình của Nhật Bản; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động giáo dục; trẻ được tương tác với các thiết bị công nghệ.
Thông qua các hoạt động chuyên đề cho trẻ như: Bé vẽ sáng tạo, năng lượng mới cả ngày vui…giúp trẻ phát triển năng lực cá nhân, hình thành các kỹ năng cho trẻ; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (ảnh: V.D) |
Hàng năm, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường, lớp đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt trên 98%; nhưng thành phố vẫn chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 có 100% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không bị suy dinh dưỡng theo Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU.
Đối với Giáo dục trung học (từ lớp 6 đến 12): Thành phố tiếp tục duy trì, đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo xu hướng nâng cao tỷ lệ đã đạt được qua từng năm.
Hiện có 312/312 phường, xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2021. Đối tượng trong độ tuổi 15 đến 18 đều có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 319.516/325.564, đạt tỷ lệ 98,14% (tăng so với năm 2020).
Đối với Giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến 12): Thành phố thực hiện tốt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp. Qua khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 57,41% học sinh trung học phổ thông đạt được trình độ ngoại ngữ có thể tự tin giao tiếp và tiếp tục theo học các chương trình đại học, cao đẳng quốc tế, thực hiện tốt phổ cập tin học cho học sinh phổ thông, 100% học sinh ứng dụng tin học trong học tập, trong nghiên cứu khoa học, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học ở 100% các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, khắc phục tình trạng thiếu học sinh lớp 10 ở các trường trung học phổ thông ở vùng ven thành phố bằng các giải pháp phù hợp, đảm bảo hoạt động giảng dạy và học tập tại các trường.
Từ năm học 2013 – 2014, thành phố thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông tại Trường Trung học phổ thông Thực hành thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ sự thành công bước đầu, kể từ năm học 2014 – 2015, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện giáo dục nhà trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo học sinh, phụ huynh và giáo viên thành phố.
Từng cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, thực hiện chuyển đổi số theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế, những nội dung chưa cần thiết và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, xây dựng hệ thống quản lý học tập (LMS) để giao nhiệm vụ học tập, chọn chủ đề dạy học nhằm phát huy tự học, học theo hướng dẫn, làm việc nhóm giúp học sinh chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức.
Ngoài nâng cao chất lượng dạy học theo chương trình, các trường trung học còn đẩy mạnh dạy học Ngoại ngữ và Tin học, thí điểm dạy Tin học văn phòng theo chuẩn quốc tế, dạy học theo dự án.
Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (ảnh: V.D) |
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm, thành phố có điểm trung bình các môn thi xếp trong nhóm 10 của cả nước. Nhiều năm liền, thành phố có kết quả đứng đầu khối thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương. Với môn tiếng Anh, thành phố có kết quả cao nhất nước, các môn Toán, Ngữ văn cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Đối với Giáo dục nghề nghiệp: Các chương trình dạy nghề thường xuyên được rà soát, bổ sung, cập nhật, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường.
Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông, chú trọng triển khai giáo dục khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp và cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công.
Hoạt động dạy nghề cấp trung học cơ sở tiếp tục được duy trì tốt. Số học sinh lớp 8 đăng ký và tham gia học nghề tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các trường đạt tỷ lệ gần 90%. Trong giai đoạn năm 2012 đến 2022, số học sinh trung học cơ sở không tiếp tục học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên mà theo học nghề tại các trường cao đẳng , trung cấp trực thuộc đạt tỷ lệ hơn 1,51%.
Đối với Giáo dục đại học: 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/nhung-ket-qua-ve-gddt-cua-tphcm-sau-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-29-post240387.gd