Nhiều vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW
Sáng nay (ngày 2/4), tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”.
Tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá”. Ảnh: Doãn Nhàn
Tham dự tọa đàm sáng nay, về phía các cơ quan trung ương có ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.
Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc thường trực Đại học; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Công nghệ; Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Cùng dự có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29) là một văn bản quan trọng, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đối với với giáo dục, cũng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã có nhiều tác động tích cực vào thực tiễn nền giáo dục đất nước.
Thời gian qua, bối cảnh trong nước và thế giới có những thay đổi mang tính chất cách mạng, tác động sâu sắc tới giáo dục-đào tạo. Vì vậy, tọa đàm khoa học về “Bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; định hướng và những giải pháp đột phá” được tổ chức nhằm góp phần củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất chủ trương, chính sách phát triển giáo dục-đào tạo ở Việt Nam.
Ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn
Phát biểu định hướng tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai lần nữa khẳng định, Nghị quyết 29 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết đã tạo được nhiều kết quả quan trọng. Nghị quyết 29 đã định hướng cho hệ thống giáo dục, chứng kiến sự thay đổi trong cách giảng dạy, quản lý giáo dục, sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tăng cường đào tạo ngoại ngữ,... Những thay đổi này đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhận định, có nhiều vấn đề mới đặt ra sau 10 năm thực hiện.
Về chất lượng đào tạo, làm sao để đảm bảo không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, mà còn phù hợp xu hướng phát triển của xã hội; về sự đa dạng trong giáo dục, làm sao để khuyến khích sự đa dạng trong cơ hội học tập; làm thế nào để hội nhập công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập; đẩy mạnh khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo, khám phá và giải quyết những vấn đề trong học tập,...
Trong đó, ông Vũ Thanh Mai đặc biệt nhấn mạnh, một số vấn đề cần quan tâm toàn diện, đó là diễn biến chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, các thành phố lớn, khu vực thành thị với nông thôn, giữa các nhóm thí sinh, làm sao để học sinh phát triển tư duy sáng tạo và đổi mới, tránh việc học tập thụ động.
Chấn chỉnh nạn học giả, bằng giả; phải tham mưu, có tiếng nói để tránh tình trạng thiếu hụt giáo viên, đặc biệt giáo viên ở vùng sâu vùng xa, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho học sinh.
Bên cạnh đó, cần quan tâm chuyển đổi số trong giáo dục dục, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, làm thế nào cho nền giáo dục nước nhà phát triển, hòa nhập, đạt trình độ quốc tế.
Đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Doãn Nhàn
Nghị quyết 29 đã đặt ra những mục tiêu quan trọng trong đổi mới giáo dục đào tạo. Trong bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra đối với đổi mới giáo dục Việt Nam sau 10 năm thực hiện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến trực diện, sâu sắc về các nội dung: làm sao để tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục thích ứng với cách mạng trí tuệ nhân tạo, giáo dục gắn với xây dựng và phát huy các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam, giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai đường lối của Đảng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, phân tích giải pháp đột phá thành công, trọng tâm trọng điểm để phát triển giáo dục, đào tạo Việt Nam giai đoạn 2030 tầm nhìn 2045.
Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều trao đổi, thảo luận thiết thực, đi sâu, trực diện vào nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.