19/12/2023 13:22

Ngành giáo dục kiên trì định hướng đổi mới, tăng cường sự thích ứng

Ngày 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Tới dự trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

  

Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn quan tâm đến giáo dục và đào tạo, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Từ khi Đảng thành lập đến nay, đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về giáo dục và đào tạo được ban hành và đi vào cuộc sống. Trong đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng.

Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết cũng thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục, cũng như tầm nhìn phát triển bền vững đất nước trong trước mắt, cũng như lâu dài. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu nêu ra trong Nghị quyết.

Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng

Bộ trưởng cho biết: Thời gian vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả, có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai rộng khắp trong toàn ngành Giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được nêu trên, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục, đó là: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn; Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm; Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền…

Cần tập trung nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo

Tại Hội nghị, các ý kiến đã tập trung trao đổi làm rõ kết quả đạt được trong 10 năm qua, đồng thời chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có vai trò và vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến đưa ra tại hội nghị về những kết quả đạt được cũng như các bấp cập, khó khăn còn tồn tại.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Dù khó khăn thế nào thì đầu tư cho giáo dục vẫn phải ưu tiên, đi trước trong đầu tư phát triển. Song song với đầu tư trong nhà nước thì cần phải thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho lĩnh vực này. Cần phải tiếp tục những bổ sung, hoàn thiện những giải pháp tạo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Giáo dục toàn diện cũng cần phải quan tâm hơn về ứng xử học đường. Trong đó, giá trị văn hóa học đường cần được đặc biệt chú trọng. Đồng thời, tiếp tục giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên; bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên để đáp ứng chương trình mới; Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Giáo dục đại học cần tăng cường chất lượng nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường để phục vụ hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.

Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nhận thức của các bên liên quan về tự chủ đại học còn khác nhau. Nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp với tự chủ đại học. Việc triển khai tự chủ đại học thiếu lộ trình rõ ràng; một số trường e ngại thực hiện tự chủ, có trường hiểu sai về tự chủ và lúng túng, làm chưa đúng quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn, PGS.TS Bùi Anh Tuấn kiến nghị: Rà soát văn bản lại để điều chỉnh, sửa đổi hợp lý; Xem xét xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học để thúc đẩy tự chủ, khuyến khích đầu tư tư nhân vào đại học, tăng cường giám sát của Nhà nước, hoàn thiện mô hình tự chủ đại học; Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo. Các trường cần có nhận thức đúng về tự chủ đại học, cần thống nhất thiết chế giữa hội đồng trường, ban giám hiệu…

Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai thực hiện, địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần quan tâm khắc phục, đòi hỏi cần tiếp tục tổ chức thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục.…

Kiên trì định hướng đổi mới, tăng cường sự thích ứng

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các trao đổi, thảo luận tại hội nghị đều thống nhất khẳng định rằng, giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua đã có những đổi mới to lớn, những chuyển biến tích cực. Để có được những đổi mới như vậy, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta khẳng định giá trị của Nghị quyết 29 trong sự mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH.

Nhìn nhận việc tổng kết Nghị quyết 29 trong bối cảnh rất nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn đang làm, vẫn đang triển khai, vẫn chưa hoàn tất, Bộ trưởng cho biết: Ban Cán sự đảng Bộ GDĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị để đưa vào kết luận một trong những nội dung rất nhấn mạnh là yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới, còn rất nhiều việc phải làm tiếp; kiên trì thì những việc làm đã qua mới có thể có tác dụng trong thời gian sắp tới.

Đề cập tới những thách thức với giáo dục trong giai đoạn mới mà cách đây 10 năm, Nghị quyết 29 chưa đề cập và phân tích hết được trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng cho biết: Trong đề xuất kết luận với Bộ Chính trị, sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng, xử lý, vượt qua những thách thức trong thời kỳ sắp tới.

Bộ trưởng nêu rõ, 3 vấn đề chính sẽ được đề cập trong kết luận tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong thời gian tới là: Nhận thức, thể chế và nguồn lực.

Cụ thể về vấn đề nhận thức, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bản thân Nghị quyết 29 đã là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục, nhưng nhận thức ở trong các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn. Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và cần sự hành động cho đến nơi đến chốn.

Đề cập đến thể chế, theo Bộ trưởng, sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng Luật mới là Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hoá trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.

Đối với vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng nêu rõ: Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn