Tuy nhiên, thực tế còn những khó khăn, vướng mắc. Đại diện cơ sở đào tạo và đại biểu Quốc hội đề nghị, cần sửa đổi, bổ sung luật hoặc nghị định liên quan đến hội đồng trường nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của tổ chức này.
Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, đồng thời là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, thành viên Hội đồng Trường ĐH Thái Bình, TS Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018, đơn vị công tác là trường tự chủ thuộc chủ nhóm 1.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, khi chưa có hội đồng trường, một số đề án và hoạt động được trình thẳng lên UBND tỉnh cho ý kiến. Bây giờ phải qua một bước là trình hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường theo quy định.
“Phần lớn thành phần hội đồng trường trùng với thành phần của Đảng ủy, hội đồng giáo dục, khoa học và một số chuyên môn khác”, TS Nguyễn Thị Thu Dung viện dẫn và đề nghị xem xét lại tính hiệu quả của hội đồng trường.
Trước đề xuất không nên tổ chức hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), hội đồng trường là thành phần, cơ cấu đương nhiên của trường đại học.
Tuy nhiên, hiện các trường đại học khối quốc phòng, an ninh không thành lập hội đồng trường. Các đơn vị này cho rằng, do đặc thù về an ninh, quốc phòng nên việc không thành lập hội đồng trường để tránh trùng lặp với cơ quan chủ quản.
Với hai Đại học Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng đại học kiêm Giám đốc, đồng thời là Bí thư Đảng ủy. Dù việc này chưa đúng với quy định của luật hiện hành, nhưng khi phân tích lại thấy đúng.
Khu giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Huyền |
Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 99
Liên quan đến mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với hội đồng trường, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận thấy, nếu theo đúng quy định thì có chồng lấn, gây khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai. Đây là vấn đề lớn, nhưng xét về góc độ pháp luật, vẫn phải thượng tôn pháp luật.
“Luật số 34 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng đến nay chúng ta vẫn triển khai theo cách khác. Nếu thấy thực tiễn không đúng thì đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội để sửa luật”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu quan điểm, đồng thời đề xuất, thời gian chờ sửa luật phải có nghị quyết để các trường đại học hoạt động. Chẳng hạn, với hai Đại học Quốc gia phải có quy định cho phép các đơn vị này thực hiện cơ chế Giám đốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng đại học. Trên cơ sở đó, các cơ sở sẽ yên tâm triển khai hoạt động mà vẫn thượng tôn pháp luật.
Các quan điểm hiện đại về phát triển kinh tế - xã hội đều nhìn nhận đại học là mắt xích quan trọng để xây dựng đất nước thịnh vượng và tự cường; tuy nhiên theo đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, để thực hiện sứ mệnh này, cần tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn cho đại học. Trong đó, chính sách phát huy tự chủ đại học, vai trò hội đồng trường, gắn với đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục cần đặc biệt quan tâm.
“Hội đồng trường là thiết chế giúp cơ sở giáo dục đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng quản trị, giám sát và trách nhiệm giải trình. Thành viên hội đồng trường quyết định khả năng triển khai hoạt động, quản trị chất lượng, hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học”, đại biểu Vương Quốc Thắng trao đổi.
Theo đại biểu đoàn Quảng Nam, hiện thành viên hội đồng trường là trưởng đơn vị cấp 2 như: Trưởng phòng, trưởng khoa vẫn chiếm đa số. Đây là những người dưới quyền trực tiếp của hiệu trưởng. Trong khi đó, thành viên hội đồng trường là giảng viên, người lao động – những người không tham gia quản lý lại rất ít.
Với thành viên hội đồng trường là người bên ngoài, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, đây là động lực để đội ngũ lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi tư duy quản trị tự chủ, phát triển gắn với sứ mệnh, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo và tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, những người này chưa có gắn kết mật thiết với cơ sở giáo dục đại học, do chưa quen hoạt động của trường, thiếu cơ chế gắn trách nhiệm, quyền hạn quy định trong văn bản pháp quy. Các thành viên bên ngoài gắn kết với trường đại học chủ yếu trên tinh thần khát vọng cống hiến hoặc đảm nhận nhiệm vụ được giao. Vì thế, chưa phát huy hết vai trò tự chủ thực chất và thực hiện đầy đủ chức năng hội đồng trường.
Về hoạt động của hội đồng trường, đại biểu Vương Quốc Thắng nhìn nhận, chỉ chủ tịch là chuyên trách, các vị trí còn lại kiêm nhiệm. Theo Luật số 34, hội đồng trường được sử dụng bộ máy của tổ chức trường để hoạt động nhưng thực tế còn thiếu hướng dẫn cụ thể nên vẫn bị động.
Ngoài ra, các bộ phận như: Thường trực hội đồng trường, ban thư ký và các ban chuyên môn (nếu có) của hội đồng trường được triển khai ở mỗi trường theo cách khác nhau. Vai trò giám sát của hội đồng trường còn hạn chế và hình thức. Nguyên nhân do thiếu định hướng, liên thông chức năng với cơ quan chủ quản. Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực, hành lang pháp lý để giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học một cách chủ động.
Để thúc đẩy tự chủ đại học, đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34. Trong đó, cần đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được coi là tự chủ. Cần quy định cụ thể về cơ cấu, thành viên của hội đồng trường, gắn với trách nhiệm, quyền hạn, thể chế hóa nội dung hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học.
Đại biểu Vương Quốc Thắng đề xuất, Chính phủ nên ban hành nghị định riêng để vận hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ; trong đó nhất quán với quan điểm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, quy định mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Nghị định này cần quy định rõ cơ chế, chức năng giám sát của hội đồng trường đồng bộ với kế hoạch hoạt động giám sát của cơ quan chủ quản, tránh chồng chéo và hình thức.