Kiểm toán Nhà nước góp phần điều chỉnh cơ chế, chính sách tự chủ đại học ngày càng phù hợp hơn
Thực hiện định hướng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời lắng nghe phản biện xã hội, KTNN đã đi sâu kiểm toán đối với vấn đề thực hiện cơ chế, chính sách tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trên toàn quốc. Những kết quả thu được đã góp phần làm thay đổi chính sách đang bất cập hoặc chưa phù hợp; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường, đồng thời tạo sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về vấn đề tự chủ ĐH cũng như vai trò của cơ quan KTNN đối với vấn đề này. Sự vào cuộc hiệu quả của KTNN đã nhận được sự phản hồi, đánh giá và ghi nhận tích cực từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và từ phía các trường ĐH - đối tượng được kiểm toán.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng:
Tại Việt Nam, vấn đề tự chủ GDĐH đã được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật từ khá sớm. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ ĐH vẫn còn những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật GDĐH, hoạt động của cơ sở GDĐH còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như: Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…, với nhiều quy định mang tính ràng buộc, dẫn đến việc thực hiện chính sách tự chủ thời gian qua chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Với vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thời gian qua, KTNN đã tích cực đi sâu kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai sót, các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có GDĐH. Điển hình là qua các cuộc kiểm toán chuyên đề về kết quả tự chủ ĐH vừa qua, KTNN đã chỉ ra bức tranh tương đối toàn diện về tự chủ GDĐH. Bên cạnh việc kiến nghị xử lý tài chính, KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, quy định còn bất cập, không phù hợp, từ đó tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở, song vẫn đảm bảo tính chặt chẽ để thúc đẩy GDĐH phát triển. Có thể nói, sự vào cuộc của KTNN đã tạo chuyển biến rất lớn, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật liên quan đến các trường ĐH và dư luận xã hội về vấn đề tự chủ GDĐH. Qua đó, các bên liên quan đều tích cực nhìn nhận, chia sẻ và từ đó có những hành động thiết thực để thúc đẩy quá trình tự chủ được diễn ra mạnh mẽ, đúng đắn hơn.
Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Bằng:
Trong công tác quản lý, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, pháp luật về GDĐH, đặc biệt là với các trường ĐH tự chủ nói riêng luôn là vấn đề được đặt ra.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, sự tham gia vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh các vi phạm, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo có thêm góc nhìn để giám sát và điều chỉnh kịp thời vi phạm của các trường cũng như các chính sách chưa phù hợp. Từ các kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo Bộ cũng có chỉ đạo quyết liệt đối với các trường ĐH trực thuộc trong việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN cũng như có sự trao đổi trực tiếp, thường xuyên với cơ quan KTNN để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc. Yêu cầu kiểm toán cũng chính thức được ghi nhận tại khoản 5, Điều 66 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Theo đó, “hằng năm, cơ sở GDĐH phải thực hiện kiểm toán và công khai tài chính, việc sử dụng các nguồn tài chính phải theo quy định của pháp luật”. Việc ghi nhận quy định trên đã nhấn mạnh hơn trách nhiệm công khai, minh bạch của các trường ĐH, cũng như đề cao vai trò của cơ quan kiểm toán trong việc thúc đẩy các trường thực hiện quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính theo quy định của pháp luật.
Cơ chế tự chủ mang đến các cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức đối với các cơ sở GDĐH. Trong đó, trách nhiệm giải trình của trường ĐH là yếu tố được dư luận xã hội, người học đặc biệt quan tâm. Khi các trường ĐH được trao quyền tự chủ, nhưng đồng thời với quyền ấy là trách nhiệm phải giải trình với Nhà nước và các bên liên quan. Mấu chốt của thực hiện trách nhiệm giải trình là các trường phải đảm bảo sự công khai và minh bạch hóa thông tin liên quan đến những chỉ tiêu cơ bản phản ánh kết quả hoạt động. Chính vì vậy, tự chủ đặt ra các yêu cầu và thách thức đối với ĐH trong việc thu thập, xử lý và báo cáo thông tin đối với các bên liên quan một cách minh bạch và công khai, đồng thời phải đảm bảo tính hiệu lực của các bên có liên quan trong giám sát hoạt động của trường ĐH theo cơ chế tự chủ.
Để đảm bảo tính trung thực và hợp lý của các thông tin tài chính phản ánh các khoản thu, chi của trường ĐH, cần có sự kiểm tra và thẩm định của KTNN. Những kết quả kiểm toán vừa qua đã cho thấy hai vấn đề liên quan đến tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường. Thứ nhất, đó là các trường tự chủ đã và đang ngày càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo công khai, minh bạch cũng như vấn đề quản trị nhà trường để chấp hành tốt các quy định pháp luật có liên quan, song kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ và các quy định tài chính còn chưa thực sự tốt. Thứ hai, sự vào cuộc của KTNN đã tạo ra áp lực buộc các trường phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan. Đây chính là giá trị vô hình, nhưng rất mạnh mẽ, hiệu quả trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường.
TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán):
KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thông qua hoạt động kiểm toán tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ chủ quản các cơ sở GDĐH… KTNN chú trọng những khía cạnh để góp phần (gián tiếp) lành mạnh hóa công tác tuyển sinh của các trường ĐH trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Kết quả này thể hiện trên một số khía cạnh sau:
Một là, đánh giá môi trường pháp lý về cơ chế tự chủ của các cơ sở GDĐH, từ đó, kiến nghị hoàn thiện chính sách. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, cơ chế tự chủ bên cạnh tạo động lực phát triển cho nhiều trường ĐH song cũng gây không ít khó khăn cho các trường trong quá trình thực hiện. Nhiều cơ sở GDĐH không muốn tự chủ hoặc chậm gia tăng mức độ tự chủ, bởi tồn tại nhiều quy định pháp luật ràng buộc đan chéo hoặc mâu thuẫn. Thực trạng này đang đặt các trường ĐH trước những rủi ro pháp lý. Qua công tác kiểm toán, KTNN xác định việc đánh giá toàn diện cơ chế, chính sách tự chủ của các trường ĐH là một trọng tâm kiểm toán, tập trung nguồn lực phát hiện các lỗ hổng cơ chế, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở GDĐH, đảm bảo sự rõ ràng, tường minh và đồng bộ.
Hai là, chỉ rõ những điểm đạt được và những lỗi, sai sót về tài chính liên quan đến công tác tuyển sinh. Theo quy định của pháp luật, đối tượng của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Công tác tuyển sinh của các trường tuy không là đối tượng của KTNN nhưng có liên quan trực tiếp đến nguồn thu của các cơ sở GDĐH. Trong quá trình thực hiện kiểm toán tại các trường ĐH, kiểm toán viên đã chỉ rõ những kết quả đơn vị đạt được, đồng thời chỉ ra những sai sót về tài chính có liên quan đến hoạt động tuyển sinh, như: thu học phí không đúng quy định, vượt quy định; công tác tổ chức, quản lý, sử dụng nguồn thu học phí sai quy định; trích lập các quỹ từ nguồn thu học phí không phù hợp… Các lỗi, sai sót được phân tích nguyên nhân và gắn với trách nhiệm của những cá nhân, tập thể cụ thể. Trên cơ sở đó, các ý kiến, kết luận kiểm toán được hình thành để kiến nghị các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền làm lành mạnh công tác quản lý tài chính gắn với công tác tuyển sinh của các trường.
Nguồn: http://baokiemtoannhanuoc.vn/