Cơ sở giáo dục ĐH gặp thách thức về tỷ lệ giảng viên, cơ sở vật chất theo chuẩn
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Đây là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học.
Mục đích của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/03/2024.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học cho rằng, các tiêu chuẩn, tiêu chí của thông tư quy định rõ ràng, giúp các cơ sở giáo dục đào tạo tự chuẩn hoá, nâng cao chất lượng trường, chất lượng giáo dục và đào tạo.
Song, trong số các tiêu chuẩn, vị này đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn 2 về giảng viên và cơ sở vật chất (tiêu chuẩn 3).
Bàn về tiêu chí 2.3, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ quy định “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ", trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ về trường làm việc toàn thời gian có thể là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học.
Còn với Đại học Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ hiện nay là 76% - “đã vượt xa hơn so với chuẩn và trường đang hướng đến đạt 80% tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ”, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin.
Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ còn là thách thức với cơ sở giáo dục
Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có đào tạo trình độ tiến sĩ. Chia sẻ về quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nhà trường đang tiếp tục có lộ trình để thu hút nhân sự giảng viên trình độ tiến sĩ và tạo điều kiện cho giảng viên trình độ thạc sĩ của trường tích cực đi làm nghiên cứu sinh.
Ở thời điểm hiện tại, nhà trường có thể chưa đạt được con số tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%. Tuy nhiên, nhà trường đang rất nỗ lực để đạt được quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ như trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định.
Ảnh minh họa: DN
Cô Trinh cho rằng, trên thực tế, các trường đại học top đầu sẽ đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50%. Còn với nhà trường và nhiều trường đại học khác có đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ gặp thách thức để đạt tỷ lệ này. Bởi, để đào tạo ra 1 tiến sĩ không phải 1-2 năm mà phải từ 5-7 năm. Chưa kể, số lượng giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của trường cũng hao hụt đi do họ chuyển công tác hoặc về hưu.
“Công tác xây dựng, bổ sung đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nằm trong chiến lược phát triển trường. Song phải khẳng định, đây là khó khăn, thách thức không nhỏ. Tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ với mong muốn đạt được tỷ lệ như Thông tư 01 quy định.
Cụ thể, để đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ, nhà trường thông qua chính sách thu hút, chính sách đào tạo, quy chế chi tiêu nội bộ (hỗ trợ kinh phí cho giảng viên làm nghiên cứu sinh, hỗ trợ đề tài, giảm giờ dạy); xây dựng quy chế thi đua khen thưởng để động viên khuyến khích, tạo chế tài cho giảng viên đi học và thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ"
_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Trinh_
Cùng chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hoà – Thư ký Hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn cho biết, với tiêu chí quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ, thời điểm hiện tại, nhà trường gần đạt như trong chuẩn. Và dự kiến trong vòng 1-2 năm tới, nhà trường sẽ đạt được tiêu chí này.
Về lộ trình phấn đấu để đạt tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%, theo thầy Hoà, nhà trường đã lên kế hoạch để thu hút nguồn lực và tiếp tục cử giảng viên đi làm nghiên cứu sinh.
“Trước đó, trong chiến lược phát triển trường cũng đặt ra các tiêu chí, trong đó có cử giảng viên là viên chức của trường đi làm nghiên cứu sinh. Theo số liệu thống kê của Phòng tổ chức cán bộ của nhà trường, hiện với số giảng viên đang làm nghiên cứu sinh, nếu bảo vệ thành công luận án, nhà trường hoàn toàn có thể đáp ứng được con số về tỷ lệ giảng viên như chuẩn quy định. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ nhưng số lượng ít hơn so với cử giảng viên đi làm nghiên cứu sinh”, thầy Hoà chia sẻ.
Cũng theo thầy Hòa, quy chế chi tiêu nội bộ nhà trường ghi rõ, với giảng viên toàn thời gian của trường đi làm nghiên cứu sinh và có bằng tiến sĩ trở về trường công tác sẽ được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng/người; giảng viên được phong chức danh phó giáo sư sẽ được hỗ trợ 150 triệu đồng/người,... Mức hỗ trợ này cũng được áp dụng tương tự đối với giảng viên trình độ tiến sĩ, phó giáo sư khi tuyển dụng vào nhà trường.
Với những chính sách khuyến khích của trường, hy vọng trong thời gian ngắn tới đây, nhà trường sẽ thu hút được những giảng viên trình độ tiến sĩ, góp phần đạt chuẩn quy định của Thông tư 01.
Cách tính diện tích đất có hệ số theo vị trí khuôn viên là chuẩn tối thiểu
Bên cạnh tiêu chí về giảng viên, tiêu chí về cơ sở vật chất cũng được lãnh đạo trường đại học quan tâm. Trong đó, tiêu chí 3.1 quy định: "Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2 ".
Về tiêu chí này, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định rằng: "Quả thực với tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ vướng ở tiêu chí 3.1".
Tuy nhiên, theo thầy Điền, với diện tích 70ha cơ sở 2 của nhà trường tại tỉnh Hưng Yên đang xúc tiến xây dựng, trường sẽ cố gắng để đạt được tiêu chí 3.1 trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Song, để đạt được tiêu chí này, ngoài sự nỗ lực của nhà trường, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhà trường cũng mong muốn nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ.
Theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tổng diện tích đất của cơ sở giáo dục đại học hoặc của một phân hiệu có nhân hệ số theo vị trí khuôn viên, chia cho số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học hoặc của phân hiệu. Trong đó, các khuôn viên nằm trong địa giới các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương có hệ số vị trí khuôn viên là 2,5; còn các khu vực còn lại có hệ số vị trí khuôn viên là 1. Có ý kiến cho rằng, diện tích đất không nên tính hệ số theo vị trí khuôn viên mà nên tính theo cấp đô thị nơi trường tọa lạc cơ sở.
Bàn về ý kiến trên, thầy Điền cho hay, việc tính hệ số theo cấp đô thị nơi trường tọa lạc cơ sở không giải quyết được các vấn đề của từng trường về diện tích đất. Với cách tính diện tích đất có hệ số theo vị trí khuôn viên mà Đại học Bách khoa Hà Nội còn gặp vướng mắc thì hầu như các trường khác đều sẽ vướng (trừ những trường di dời ra khỏi nội đô đã có cơ sở 2-PV). Quy định diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo là chuẩn tối thiểu, khi trường phấn đấu thì có thể đạt được.
Chưa kể, so với cách tính diện tích đất có hệ số theo vị trí khuôn viên, thì cách tính hệ số theo cấp đô thị nơi trường tọa lạc cơ sở có thể gây khó cho các trường.
Còn thầy Hòa cho rằng, khi đặt ra tiêu chí 3.1, ban soạn thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học chắc chắn cũng có những nghiên cứu đến các yếu tố như môi trường, cảnh quan, khuôn viên; cũng như lấy ý kiến bộ, ngành, cơ sở giáo dục về độ khả thi của quy định diện tích đất có hệ số theo vị trí khuôn viên.
"Tính đến thời điểm này, nhà trường có thể đạt được tiêu chí 3.1. Bởi, quy mô đào tạo của trường không lớn, cộng thêm cơ sở 2 ở tỉnh Hưng Yên đang đi vào hoạt động nên có thể đạt tiêu chí về diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2 ", Thư ký Hội đồng trường Trường Đại học Công đoàn chia sẻ.
Nguồn: Theo giaoduc.net.vn