Cơ sở GDĐH nào cũng cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 19, không có ngoại lệ
Quan sát đại hội đảng bộ của các cơ sở giáo dục đại học nhiệm kỳ 2020 – 2025 và bầu ra Bí thư đảng ủy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy khoảng hơn 40 cơ sở giáo dục đại học mà Bí thư Đảng ủy không phải là Chủ tịch hội đồng đại học/ Chủ tịch Hội đồng trường.
Điển hình là 2 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)– đây là những cơ sở giáo dục lớn, lẽ ra phải tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Bí thư đảng ủy của các cơ sở giáo dục này lại đang giữ vị trí Giám đốc đại học.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, Nghị quyết lớn của Trung ương cần phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học (không có ngoại lệ) để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương (ảnh: Mạnh Đoàn) |
Nhìn nhận thực tế nhiều cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng Nghị quyết 19, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương nhấn mạnh vì có lo ngại khi Bí thư đảng ủy kiêm Hiệu trưởng/ Giám đốc thì quyền lực tập trung trong tay một người quá nhiều trong khi lại chưa có quy chế giám sát, kiểm soát quyền lực đó một cách chặt chẽ sẽ dễ xảy ra tình trạng làm không đúng gây tổn thất cho cá nhân và làm cho tổ chức đó bị rối loạn vì vai trò người đứng đầu vô cùng quan trọng.
Để giải quyết nỗi lo đó, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 19 thì các cơ sở giáo dục đại học phải chấp hành nghiêm chỉnh.
Thực tế xảy ra hiện tượng sau đại hội đảng bộ cơ sở thì Bí thư đảng ủy của một số trường đại học được điều động nhận nhiệm vụ mới, về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, công tác tổ chức và cán bộ là vô cùng quan trọng do đó khi cán bộ chủ chốt khuyết thì cần phải có người kế nhiệm ngay.
Các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn làm được việc này bởi theo Điều 18 của Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương (bổ sung, sửa đổi so với Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng) quy định về đại hội bất thường ở các cấp như sau: “Điều kiện để tổ chức đại hội bất thường là có thay đổi lớn về chủ trương, nhiệm vụ so với nghị quyết đại hội đề ra, có thay đổi lớn về nhân sự chủ chốt cấp ủy; …”.
Đưa ra giải pháp đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đúng Nghị quyết 19 thì ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, trước tiên với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quán triệt, nhắc nhở để các trường thực hiện nghiêm chủ trương “Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường”, kể các các đại học, trường đại học không thuộc Bộ nhưng thuộc về quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh ra văn bản nhưng không theo dõi, giám sát, nếu sau đó trường nào vẫn cố tình không thực hiện thì khi đó cần tới ý kiến của cơ quan cấp trên xử lý.Khi “có thay đổi lớn về nhân sự chủ chốt cấp ủy” mà cụ thể ở đây là Bí thư Đảng ủy nhận nhiệm vụ mới thì đảng bộ cơ sở đó cần phải tiến hành xin ý kiến cấp trên để tổ chức đại hội bất thường nhằm kiện toàn bộ máy, ổn định tổ chức. Đối với đặc thù tổ chức Đảng của các cơ sở đào tạo đại học để thực hiện nghiêm Nghị quyết 19, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì Đảng ủy cấp trên phải chỉ đạo sát và đúng chủ trương đã có, ví dụ đang Giám đốc/Hiệu trưởng thì không thể bầu làm Bí thư đảng ủy sau đó vì trái Nghị quyết 19 đã định hướng rõ.
Được biết, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã nêu:
“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”.
Tại Điểm b, Khoản 4, Điều 16 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi (số 34/2018/QH14) cũng quy định rõ tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường của trường đại học công lập rằng: “…chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học”. Hiện nay qua theo dõi vẫn còn một số Chủ tịch Hội đồng trường còn kiêm các chức vụ khác nên chưa phát huy hết năng lực quản trị và giám sát các hoạt động theo Nghị quyết của Hội đồng trường và thể hiện rõ cơ quan quyền lực cao nhất trong cơ sở giáo dục đại học.
Chưa kể, tại Thông báo 104/TB-VPCP ngày 13/5/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất trong đó có yêu cầu “Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc "Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường".
Như vậy có nghĩa là theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW; Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ 1/7/2019; Thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì bí thư đảng ủy sẽ kiêm chủ tịch hội đồng trường, và đây là một trong những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp với các bộ ngành khác cần quyết liệt chỉ đạo để hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, quản trị và quản lý các cơ sở đào tạo đại học đang thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành khác, ngay cả các đại học quốc gia, nếu giai đoạn đầu không thực hiện kiên quyết, kịp thời và nhất quán theo các Nghị quyết Trung ương sẽ làm chậm tiến độ hướng đến tự chủ và có thể nhiều cơ sở đào tạo đại học sẽ không hoàn thiện được bộ máy như hiện nay đang gặp phải.
Nguồn: Giaoduc.net.vn