25/02/2022 14:19

Có những "ổ khóa" siết chặt tự chủ nằm ngay trong Luật 34/2018/QH14

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi nhận ý kiến từ Chủ tịch Hội đồng đại học/ Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng qua quá trình thành lập, kiện toàn và hoạt động Hội đồng trường thời gian vừa qua. Hôm nay, phóng viên có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Khi nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật, Phó giáo sư Bùi Đức Thọ thấy hệ thống hành lang pháp lý còn có bất hợp lý nào trong quá trình quản trị, quản lý điều hành khiến cho Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình không?

Phó giáo sư Bùi Đức Thọ: Hiện nay, chủ trương về vai trò của Hội đồng trường ở trường đại học đã rõ, nhưng triển khai thực tiễn còn vướng mắc do hành lang pháp lý còn chưa đồng bộ. Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 nêu rõ “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.”

Hiện nay, ngoài luật chuyên ngành là Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường đại học còn phải chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật Viên chức, Luật quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công… Tương tự là các Nghị định hướng dẫn thi hành các luật trên.

Mặc dù Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã mở rộng quyền và trách nhiệm của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường nhưng vẫn còn nhiều “khoá” khó mở.

Phó giáo sư Bùi Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ảnh: thầy Thọ cung cấp)

Chẳng hạn như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho phép Hội đồng trường ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường; cho phép quyền tự chủ trong công tác nhân sự gồm cả tuyển dụng và bổ nhiệm, nhưng vẫn thêm câu "phù hợp với quy định của pháp luật".

Vì vậy, khi làm quy chế về tuyển dụng và bổ nhiệm, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải đảm bảo sự tuân thủ Luật Viên chức cũng như Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Lúc này các “khoá” bắt đầu siết quyền tự chủ của cách trường.

Chẳng hạn như Luật Viên chức cũng như Nghị định 115/2020/NĐ-CP nêu nội dung quản lý viên chức nhưng không bao gồm luân chuyển, điều động viên chức. Do đó, quy chế tuyển dụng và bổ nhiệm của các trường không đưa được nội dung luân chuyển và điều động viên chức vào được. Mặc dù đây là nội dung quan trọng trong quản trị nguồn nhân lực giúp tăng hiệu quả quản lý.

Luật Viên chức không đưa nội dung luân chuyển, điều động viên chức vào nội dung quản lý viên chức (Luật Công chức có nội dung luân chuyển, điều động) là phù hợp. Vì bản chất quan hệ giữa đơn vị sử dụng viên chức và viên chức được điều chỉnh bởi hợp đồng làm việc mang tính thoả thuận và dựa vào vị trí việc làm. Thêm vào đó, Luật Viên chức điều chỉnh phạm vi rộng, toàn bộ viên chức trong cả nước, không chỉ riêng viên chức ở các trường đại học.

Do vậy, hy vọng sự thay đổi mang tính bản chất của Luật Viên chức để tăng quyền tự chủ cho các trường là không khả thi. Giải pháp thiết thực, khả thi chính là sửa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và bỏ các “khoá” về yêu cầu phù hợp pháp luật đi. Nếu cần quy định gì thì quy định cụ thể luôn.

Tương tự, các quyền tự chủ về tài chính, tài sản, đầu tư cũng được ngoằng bởi các “khoá” chặt làm giảm quyền tự chủ của các trường, giảm vai trò của Hội đồng trường.

Mặc dù Hội đồng trường được khẳng định là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học. Tuy nhiên, hiện nay, người đứng đầu trong trường đại học lại đang được định nghĩa là Hiệu trưởng, chứ không phải là Chủ tịch Hội đồng trường.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo họp giao ban với các trường cũng luôn mời thành phần là Hiệu trưởng chứ không phải là Chủ tịch Hội đồng trường. Điều này cũng gây khó khăn khi thực hiện quyền của Hội đồng trường và của Chủ tịch Hội đồng trường.

Chẳng hạn như công tác thanh tra nội bộ, hiện theo quy định là do người đứng đầu, tức Hiệu trưởng chịu trách nhiệm, đoàn thanh tra do Hiệu trưởng thành lập. Đây là hoạt động cần thiết để thực hiện quyền giám sát, nhưng quyền này lại do Hiệu trưởng thực hiện. Nếu định nghĩa lại, Hiệu trưởng là người đại diện pháp luật và chủ tài khoản, còn người đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng trường thì thực quyền của Chủ tịch Hội đồng trường và Hội đồng trường sẽ được thực chất hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chuẩn cứng đối người được bầu làm Chủ tịch hội đồng trường. Nếu để góp ý cho tiêu chuẩn cứng đó thì ông sẽ góp ý gì?

Phó giáo sư Bùi Đức Thọ: Tiêu chuẩn được ứng cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng trường tương đương như Hiệu trưởng. Theo tôi, tiêu chuẩn này là đủ, không cần phải có thêm tiêu chuẩn riêng đối với Chủ tịch Hội đồng trường. Nếu đưa thêm nhiều tiêu chí cứng nữa, có thể sẽ không tìm được người đủ tiêu chuẩn làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Ví dụ, đưa thêm tiêu chuẩn “đã từng làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng” nếu những người đã từng làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, vì lý do khách quan nào đó, họ không thể tiếp tục công tác thì Nhà trường sẽ không có người để ứng cử Chủ tịch Hội đồng trường.

Do đó, theo tôi, không cần nhiều tiêu chuẩn cứng, cái chính là cần cơ chế để Chủ tịch Hội đồng trường có thực quyền. Lúc này, những người uy tín nhất, năng lực nhất cũng mong muốn được bầu làm Chủ tịch Hội đồng trường. Trường sẽ chọn được người phù hợp nhất để bầu. Còn với cơ chế để cho Chủ tịch Hội đồng trường không có thực quyền thì có tiêu chí cứng, họ cũng muốn thoái thác.

Giải pháp tôi đề xuất là thực hiện đúng cơ chế đại diện chủ sở hữu và Chủ tịch, cũng như người đại diện của Bộ chủ quản cần có tỷ trọng số phiếu cao hơn các thành viên khác, tương tự như cơ chế của doanh nghiệp. Ví dụ như Chủ tịch Hội đồng trường có giá trị phiếu 20%, đại diện bộ chủ quản 15%, tất cả các thành viên còn lại chia nhau 65% số phiếu. Chủ tịch Hội đồng trường sẽ như chủ tịch của một doanh nghiệp.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng trường cũng không khác các thành viên còn lại thì tiếng nói và thực quyền sẽ không thực chất. Với giải pháp này, tôi tin chắc, quyền của Chủ tịch Hội đồng trường sẽ lên rất cao. Sẽ chỉ có những người xuất sắc nhất mới trúng cử được vào vị trí Chủ tịch Hội đồng trường mà không cần tới tiêu chuẩn cứng.

Nguồn: Giaoduc.net.vn