CLB Chủ tịch Hội đồng trường tổ chức tọa đàm về đọc và hiểu báo cáo tài chính
Sáng ngày 28/2/2024, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đọc và hiểu báo cáo tài chính cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật kết nối tọa đàm với hơn 90 đầu cầu.
Các thành viên Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, đại diện hội đồng đại học, trường, học viện; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học tham dự toạ đàm sáng ngày 28/2. (Ảnh chụp màn hình)
Về phía khách mời tham dự toạ đàm có các thầy cô đến từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng – Phó Giám đốc; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Huy – Trưởng Ban Đào tạo đại học, giảng viên bộ môn Kế toán công; Thạc sĩ Trần Hoàng Tâm – Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – Trưởng Ban công tác Hội viên.
Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường có Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ cùng các thành viên Câu lạc bộ và đại diện hội đồng đại học, trường, học viện; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn chia sẻ, một trong những nội dung mà hội đồng trường cần phải nắm bắt và hầu như năm nào cũng phải làm là phê duyệt quyết toán tài chính của đơn vị, trong đó, việc đọc và hiểu báo cáo tài chính cũng đòi hỏi cần phải có kỹ năng, kiến thức nhất định.
Giáo sư Trần Diệp Tuấn (bên phải màn hình) phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh chụp màn hình)
Theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, việc tổ chức toạ đàm có ý nghĩa tập huấn về đọc và hiểu báo cáo tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập. Câu lạc bộ đã tìm hiểu và mời chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia chia sẻ chính tại toạ đàm.
Toạ đàm gồm có 2 phần, trong đó, phần 1 chia sẻ các ý kiến của chuyên gia về những lý thuyến, kiến thức và kỹ năng cần có để đọc và hiểu báo cáo tài chính; phần 2 là thảo luận về những vấn đề liên quan đến đọc và hiểu báo cáo tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập.
Chia sẻ về cách đọc báo cáo tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng – Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hội đồng trường, hội đồng đại học có trách nhiệm và quyền hạn liên quan đến tài chính. Trong khuôn khổ toạ đàm, nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nội dung cơ bản và những lưu ý khi đọc và hiểu báo cáo tài chính.
Trình bày về những nội dung cơ bản liên quan đến đọc và hiểu các mục trên báo cáo tài chính của cơ sở giáo dục đại học công lập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Huy – Trưởng bộ môn Kế toán công, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về ý nghĩa, mục đích, mục tiêu của việc đọc và hiểu báo cáo tài chính; các vấn đề được thể hiện khi đọc và hiểu báo cáo tài chính.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Huy chia sẻ trong toạ đàm. (Ảnh chụp màn hình)
“Dữ liệu thông tin trong báo cáo tài chính của các trường đại học phải giúp cho các bộ phận có liên quan đánh giá được 5 tính chất: trung thực và hợp lý, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu, có thể so sánh.
Việc đọc và hiểu báo cáo tài chính cũng phải giúp các bên liên quan biết được thực trạng tài chính của đơn vị; điểm mạnh, điểm yếu, khó khăn thách thức; cách thức củng cố, cải thiện năng lực tài chính, hoạch định dòng tài chính, ngân sách; cơ sở thực hiện các quyết định đầu tư, tài trợ”, thầy Huy chia sẻ.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học công lập phải lập 2 bộ báo cáo gồm: báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán. Trong đó, danh mục báo cáo tài chính gồm: báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo tài chính (loại đơn giản).
Với báo cáo tình hình tài chính, thầy Huy cho biết, cần lưu ý một số điểm của các loại quỹ như khen thưởng, phúc lợi, bổ sung thu nhập,… được rà soát và xem kỹ nội dung của quy chế chi tiêu nội bộ và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Trao đổi chi tiết về một số lưu ý khi đọc báo cáo kết quả hoạt động, Thạc sĩ Trần Hoàng Tâm – Kế toán trưởng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ chí Minh chia sẻ, tổng thu chưa phản ánh hết nguồn thu tài chính vì tổng thu gồm số liệu hợp nhất của tất cả các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của đơn vị. Nguồn thu các đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ đóng góp không lớn vào hoạt động chung của đơn vị vì nguồn thu chủ yếu bù đắp chi để thực hiện hoạt động, nhiệm vụ.
Tổng chi chỉ thể hiện tổng số chi phí phục vụ hoạt động thường xuyên và hoạt động khác (bao gồm hợp nhất các đơn vị thuộc đơn vị) nhưng chưa bao gồm các khoản chi từ các quỹ trong năm (như học bổng, chi khen thưởng, phúc lợi, đầu tư,...).
Thu từ hoạt động tài chính bao gồm số thu từ lãi tiền có kỳ hạn tạm tính đến 31/12 (các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn sau 31/12 phải tính trước lãi thu dự kiến).
Cũng đưa ra lưu ý khi đọc báo cáo tình hình tài chính, theo thầy Tâm, số dư quỹ chưa phản ánh số dư thực bằng tiền của quỹ tại thời điểm cuối năm đối với các khoản chi chưa thực hiện quyết toán như: các khoản chi từ quỹ chưa đủ điều kiện quyết toán trong năm sẽ chưa được ghi nhận giảm quỹ mặc dù tiền từ quỹ đã được thực hiện chi trả. Giá trị Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp thực sự dùng cho kế hoạch đầu tư sẵn có là Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp bằng tiền.
Với các khoản mục khác, để đánh giá được tình hình tài chính của đơn vị ngoài báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo tình hình tài chính cần phải thêm thông tin từ thuyết minh báo cáo tài chính, báo cáo tình hình sử dụng quỹ và lưu chuyển tiền tệ.
Thầy Tâm cũng lưu ý một số vấn đề quản lý khác như quản lý tài chính tài sản...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng cho rằng, để đảm bảo tính xác thực, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, các đơn vị cũng cần có một bên thứ 3 (kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, kiểm toán nhà nước) chứ hội đồng trường cũng không đủ năng lực để xác thực báo cáo tài chính.
Một số câu hỏi đã được đưa ra thảo luận tại toạ đàm như thế nào là tài sản có giá trị lớn; nên làm báo cáo tài chính (loại đơn giản) ra sao và ai sẽ là người phân tích tài chính chuyên sâu về chiến lược, môi trường và hoạt động; tài sản nào thực hiện/không thực hiện khấu hao và hao mòn.
Đặc biệt, một số chủ tịch hội đồng trường nêu ra những khó khăn trong việc thuê, mời chuyên gia ngoài trường tham gia vào ban kiểm toán nội bộ của trường; khó thành lập ban kiểm toán nội bộ theo yêu cầu; hay các trường thiên về đào tạo khoa học xã hội sẽ gặp khó khăn trong việc phân tích chuyên sâu báo cáo tài chính; các báo cáo liên quan đến tài chính nào cần được làm chi tiết và báo cáo nào không cần làm chi tiết vì năng lực của hội đồng trường cũng có hạn.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/clb-chu-tich-hoi-dong-truong-to-chuc-toa-dam-ve-doc-va-hieu-bao-cao-tai-chinh-post241157.gd