Chưa thực hiện nghiêm Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì dễ gặp cản trở lớn thực thi Luật 34
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại hội thảo về quản trị và tự chủ đại học: “bàn về Quản trị và Tự chủ đại học sau Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP” do Đại học Huế phối hợp với các Đại học trong nước và đối tác của Vương quốc Bỉ tổ chức ngày 9/6.
Khó khăn bước đầu khi bắt tay tự chủ đại học
Theo Tiến sĩ Phụng, dấu hiệu của tự chủ đại học bao gồm: nhà trường được độc lập quyết định các vấn đề liên quan đến vận mệnh của mình để sáng tạo tri thức, dẫn dắt xã hội... không trái pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ về những khó khăn của các trường khi mới giai đoạn đầu thực hiện tự chủ đại học. |
“Tự chủ trước hết là tự do học thuật rồi tiến đến tự chủ về nhân sự, tổ chức; tài chính, tài sản… Qua đó, giảm can thiệp trực tiếp của nhà nước để đổi mới quản lý thông qua pháp luật, chuẩn chất lượng, điều kiện đầu tư, yêu cầu công khai thông tin, giám sát từ xa, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm...
Lợi ích của tự chủ đại học là các trường chủ động xây dựng và thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu, nâng cao chất lượng hoạt động… Nâng cao trách nhiệm của bộ máy quản lý, quản trị, huy động tối đa nguồn lực toàn xã hội.
Đổi mới nhận thức, tư duy, quản trị hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển, phù hợp cơ chế thị trường, thực hiện bình đẳng công tư.
Tự do sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ, phát huy tối đa sức mạnh và lợi thế của nhà trường và từng cán bộ - giảng viên...”.
Cũng theo Tiến sĩ Phụng thì trong giai đoạn đầu thực hiện tự chủ thì các trường đại học cũng phải đối mặt với nhiều thách thử, khó khăn. Đó là nhận thức về vấn đề tự chủ chưa thống nhất. Một số trường chưa hiểu hết các quy định mới.
“Bên cạnh đó thì hệ thống pháp luật, Luật Giáo dục đại học chỉ sửa đổi bổ sung một số điều nên chưa đồng bộ, khiến cho các trường gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, các cơ quan có thẩm quyền còn chi phối nhiều chiều, đặc biệt bộ chủ quản. Việc này nó làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, lâu nay, chúng ta vẫn giữ tư duy quản trị, quản lý cũ kĩ, chưa có sự mạnh dạn đổi mới. Các trường chưa xây dựng được hệ thống quy định nội bộ, phối hợp, phân cấp, phân quyền”.
Tiến sĩ Phụng cũng cho rằng, khi mới bắt đầu tự chủ thì các trường còn chưa đánh giá hết trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đảm bảo thu nhập cho cán bộ giáo viên, người lao động.
“Những hạn chế về nguồn lực, hạ tầng kỹ thuật số, minh bạch thông tin hay sự cạnh tranh không lành mạnh về thị trường lao động, tuyển sinh… cũng khiến các trường mới giai đoạn đầu tự chủ gặp thách thức”, Tiến sĩ Phụng thông tin thêm.
Vai trò của các bên trong quản trị và tự chủ đại học
Trong phần thảo luận, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã đưa ra phân tích, mổ xẻ về “vai trò của các bên trong quản trị và tự chủ đại học”. Trong đó, đều xác định rõ vai trò, vị trí của từng cơ quan, tổ chức trong cơ sở giáo dục đại học.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã có những chia sẻ về vai trò của từng cơ quan, tổ chức trong cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ. |
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế thì Chính phủ và các Bộ ngành (cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học) đóng vai trò quan trọng trong quản trị và tự chủ đại học.
Theo đó, các cơ quan này cần giảm sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước đối với giáo dục đại học. Thay vào đó thì tập trung vào quản lý, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất.
"Ngoài ra, các cơ quan này nên ít tham gia vào việc điều hành các tổ chức giáo dục đại học theo kiểu cầm tay chỉ việc. Mà nên giữ vai trò kiến tạo, định hướng chiến lược, đặt hàng trong đào tạo, khoa học công nghệ. Giới thiệu các hình thức giám sát và tạo ảnh hưởng mới thông qua các cơ chế yêu cầu trách nhiệm giải trình đầy đủ và rõ ràng”, thầy Chương cho hay.
Còn đối với cơ sở đào tạo đại học, thầy Chương cho rằng, phải tuân thủ các mục tiêu và chính sách quốc gia về giáo dục đại học. Thực hiện duy trì chất lượng học thuật cao trong nhà trường và cải tiến.
Các trường cũng phải trung thực về tài chính và sử dụng giá trị đồng tiền thật hiệu quả và minh bạch cho các hoạt động nhà trường. Tập trung Quản trị và quản lý tốt (đây là điều mà đại học Việt Nam còn yếu).
Đối với các tổ chức Đảng trong các cơ sở giáo dục đại học thì cần thể hiện rõ vai trò lãnh chỉ đạo trong quy chế làm việc của Đảng ủy cả nhiệm kỳ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19-NQ/TW tức là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường để thuận lợi trong quản trị.
Đối với Hội đồng Đại học/trường thì phải vạch rõ sứ mệnh và tầm nhìn, kế hoạch đảm bảo chất lượng, ngân sách hàng năm. Thiết lập và giám sát các hệ thống: tài chính, tài sản hoạt động, đánh giá và quản lý rủi ro, nguồn nhân lực và vật chất.
Giám sát hiệu suất của tổ chức và các thỏa thuận đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Khuyến khích phát triển các phương pháp để giám sát chất lượng dạy và học và để theo dõi tiến độ. Sắp đặt các vị trí nhân sự phù hợp để tăng hiệu suất của tổ chức.