07/08/2024 09:10

Chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam

Theo nghiên cứu của TS. Lê Thị Mai Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, ThS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT về người đầu tiên đưa ra khái niệm “Xã hội học tập” (Learning Society) vào năm 1972 là Edgar Faure trong tác phẩm “Học để làm người: Thế giới giáo dục ngày nay và ngày mai” (Learning to be: The world of education today and tomorrow). Xã hội học tập là một triết lý giáo dục được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development- OECD) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization-UNESCO) ủng hộ và cho rằng giáo dục là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của quốc gia, giáo dục được coi là yếu tố chủ đạo thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một quốc gia, giáo dục không chỉ giới hạn ở hình thức giáo dục chính quy trong nhà trường với các định chế giáo dục truyền thống, mà còn bao gồm các trung tâm giáo dục phi chính quy ngoài nhà trường để hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Theo Jacques Delors và các cộng sự trong tác phẩm “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn” (Learning, the treasure within), gửi Ủy ban quốc tế về giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO, ông cho rằng giáo dục cần hướng tới cộng đồng và toàn bộ cuộc đời từng con người. Trong xã hội học tập, học suốt đời là nghĩa vụ và là bổn phận của người dân, giáo dục cần phải truyền tải có hiệu quả và trên quy mô lớn một lượng kiến thức phát triển liên tục, ngày càng tăng. Giáo dục cần tìm ra những điểm quy chiếu để con người không bị choáng ngợp bới các luồng thông tin chỉ có giá trị nhất thời. Ông đã đề xuất bốn trụ cột của quá trình học tập suốt đời gồm: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống và Học để làm người. Xã hội học tập sẽ vượt xa sự phân biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu với giáo dục liên tục, rằng nền giáo dục tiếp tục suốt đời phải được ủng hộ rộng rãi với những ưu thế về tinh thần mềm dẻo, đa dạng và khả thi trong thời gian và không gian khác nhau.

Như vậy, dựa trên quan điểm tiếp cận ở trên thì khái niệm xã hội học tập được hiểu như sau “xã hội học tập là một xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập, trong đó mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập”. Đặc trưng cơ bản của xã hội học tập là một mô hình giáo dục mở, trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập, học thường xuyên, học suốt đời, đặc biệt ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất để phát triển năng lực cá nhân, xây dựng một xã hội phát triển bền vững, thích ứng với nhu cầu, yêu cầu trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và thay đổi nhanh chóng.

Chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển xã hội học tập

Từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng để làm người, thoát nghèo. Tư tưởng về xã hội học tập và học tập suốt đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập (tháng 8/1945). Người nói “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Với hơn 90% dân số không biết đọc, Người đã đưa ra chủ trương “diệt giặc dốt”, triển khai phong trào xóa mù chữ trong cả nước. Trong nhiều bài viết và nói chuyện, Người khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Sự học là vô cùng”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”; “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”; ... Người nhắc nhở: “Để đảm bảo cho đất nước phát triển trong một thế giới luôn biến đổi thì phải có tri thức, phải có tầm cao trí tuệ, và chỉ có học, học suốt đời mới có được điều đó”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự học và xây dựng xã hội học tập, Văn kiện nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”; tiếp đến Văn kiện nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng nhấn mạnh “Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân và vì dân, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, trong đó Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng cả nước phát triển xã hội học tập, tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng trung tâm học tập cộng đồng với hướng đích tới năm 2010, đạt 80% địa bàn hành chính cấp xã trên cả nước có loại hình trung tâm này; đồng thời lấy truyền thống “hiếu học làm động lực tinh thần để thúc đẩy nhân dân học tập thường xuyên, xây dựng các mô hình hiếu học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học) và mô hình khuyến học (cộng đồng khuyến học) như những thành tố tạo nên cấu trúc xã hội học tập tại các thôn bản, tổ dân phố, địa bàn xã, phường, thị trấn.

Đại hội lần thứ XI của Đảng, Trung ương đặt vấn đề xây dựng xã hội học tập trên một tầm tư duy mới, với việc đổi mới tổ chức học tập của người lớn và đổi mới mô hình xã hội học tập theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Nghị quyết nhấn mạnh Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”; và đề ra mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc”.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, xây dựng mô hình công dân học tập, huyện học tập, tỉnh học tập, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập…Ngày 10/5/2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, trong đó Ban Bí thư khẳng định việc xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp. Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu …Đặc biệt, Ban Bí thư nhấn mạnh “mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học suốt đời của các thành viên trong tổ chức” và yêu cầu xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở Việt Nam phải là thành viên của gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, có những phẩm chất và năng lực cốt lõi, được trang bị các kỹ năng ngoài kỹ năng và kiến thức nền tảng như thu thập, tổng hợp, và phân tích thông tin; làm việc độc lập ở mức cao, dưới sự giám sát tối thiểu; lãnh đạo, gây ảnh hưởng; có khả năng sáng tạo và hành động; tư duy phê phán; hiểu vấn đề từ các góc độ khác nhau và hiểu tổng quát vấn đề; giao tiếp hiệu quả, đặc biệt khả năng sử dụng công nghệ thông tin; có đạo đức làm việc theo chuẩn mực của xã hội địa phương cũng như toàn cầu; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp và các kỹ năng khác như hiểu biết xã hội, trí tuệ xúc cảm, các hành vi của doanh nghiệp, kỷ luật nội bộ, để  phấn đấu trở thành công dân chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới là: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”; “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt”; “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; “Đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”.

Chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển xã hội học tập

Cụ thể hóa thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị về phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập theo xu thế giáo dục thế giới, ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” với mục tiêu tổng quát là:“.. tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập. Quyết định chỉ rõ “Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập được dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành: giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên của hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó, giáo dục thường xuyên thực hiện các chương trình học tập nhằm tạo các điều kiện tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mọi công dân sẽ là một bộ phận có chức năng quan trọng, làm tiền đề để xây dựng xã hội học tập”.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước, trên cơ sở tổng kết Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/2008/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong 10 năm qua Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều các văn bản nhằm tiếp tục đẩy mạng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tình hình mới, như: Quyết định số 89/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, Quyết định số 1559/QĐ-TTg, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24/03/2014 về “Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ”...

Đặc biệt, thể chế chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/7/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” xác định những quan điểm vừa kế thừa vừa phát huy những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đồng thời yêu cầu: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục; Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội; Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu; Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp; Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Để thực hiện mục tiêu tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời đề ra sáu nhóm nhiệm vụ và giải pháp để tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; Tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa.

Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới vừa là một nhiệm vụ cấp bách, vừa là một yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước nhà, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quyết định việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế tri thức, đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội trí tuệ, hiện đại, hội nhập với toàn cầu.

Ở Việt Nam trong thời gian qua việc xây dựng, phát triển xã hội học tập, tạo dựng một mô hình giáo dục mở, trong đó tạo điều kiện, cơ hội cho mọi công dân bất kể độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội…đều thấy cần phải học, học tập suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách... theo nguyên tắc tự học là chính, xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc và với ý thức xây dựng một xã hội học tập phát triển bền vững, phấn đấu trở thành công dân học tập, công dân toàn cầu, người lao động có nghề nghiệp, việc làm ổn định cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện và có hướng đi trọng tâm hơn nữa, trong đó đặc biệt lưu ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người khuyết tật, người thiệt thòi về giáo dục để khắc phục những hạn chế, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục ngày càng có chất lượng, hiệu quả cao với quy mô ngày càng rộng.

  1. Lê Thị Mai Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương,
  2. ThS. Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT

 

Tài liệu tham khảo

Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XIII của Đảng.

Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 14/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám, khóa XI.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII.

Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám, khóa XI của Bộ Giáo dục và Đào tạo.