Bộ GD sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về mở ngành, làm rõ khái niệm "ngành phù hợp"
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 16/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này có hiệu lực từ 05/01/2025.
Theo đó, về đội ngũ giảng viên, Thông tư 16 bổ sung điểm d vào Khoản 2, Điều 3 như sau:
“d) Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo”.
Ảnh minh họa: Mộc Trà
Đặc biệt, Thông tư 16 bổ sung các khoản 8, 9 vào Điều 3 như sau:
“8. Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đối với một số ngành đào tạo trình độ thấp hơn phải đáp ứng một trong số các yêu cầu sau:
a) Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng: Có căn cứ khoa học và thực tiễn và được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có nền tảng chuyên môn gần nhất đối với ngành đào tạo, được phần lớn người tốt nghiệp ngành đào tạo lựa chọn khi học lên trình độ cao hơn;
c) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
9. Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo cùng trình độ phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
a) Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng: Có căn cứ khoa học và thực tiễn và được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có cùng nền tảng chuyên môn và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo;
c) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập”.
Ngoài ra, Thông tư 16 cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ bổ sung khoản 4, Điều 5 như sau:
“4.Có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ đại học;
b) Trong 5 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1, Điều 5 đã có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo; đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ”.
Còn đối với điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, Thông tư 16 sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 của Điều 6 như sau:
“4. Có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ;
b) Trong 5 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1, Điều 6 đã tham gia hướng dẫn 5 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.
5. Đạt các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học áp dụng cho cơ sở đào tạo tiến sĩ bao gồm:
a) Tiêu chí 2.3 về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ;
b) Tiêu chí 6.1 về tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an);
c) Tiêu chí 6.2 về số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian”.
Đặc biệt, Thông tư 16 bổ sung điểm c vào khoản 4, Điều 8 về xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo như sau:
“c) Trường hợp chưa có đủ căn cứ để xác định rõ ngành phù hợp của giảng viên, cơ sở đào tạo gửi báo cáo các thông tin liên quan theo quy định tại điểm d, khoản 8, Điều này và đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn để thẩm định và xác nhận. Hội đồng tư vấn chuyên môn có từ 3 đến 5 thành viên là giảng viên, chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp, đại diện các cơ sở đào tạo có uy tín về ngành, nhóm ngành liên quan”.
Nguồn: Theo bài đăng trên giaoduc.net.vn