Bộ GD-ĐT chỉ đạo mới về các kỳ thi năm 2025
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024 - 2025, trong đó nêu yêu cầu về việc chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…
Xây dựng thư viện câu hỏi thi tốt nghiệp theo hướng mở
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm đầu tiên đổi mới thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và sở GD-ĐT trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Bộ GD-ĐT yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở; tổ chức góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi và chủ động đánh giá tác động tại địa phương.
Tiếp tục tập huấn các đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi; tăng cường quán triệt Quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử tại địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; tích cực tham gia thử nghiệm các phần mềm tổ chức thi bảo đảm khả thi và hiệu quả.
"Phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách", hướng dẫn của Bộ nêu.
Đối với các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế, Bộ GD-ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng, thi chọn học sinh giỏi, triển khai thực hiện Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm mục đích, yêu cầu, dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Lần đầu tiên Việt Nam tham gia khảo sát PISA trên máy tính
Đối với các chương trình đánh giá diện rộng quốc gia, quốc tế, Bộ GD-ĐT yêu cầu chuẩn bị chu đáo và triển khai thực hiện khảo sát chính thức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 trên máy tính tại địa phương.
Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch chi tiết huy động, bố trí kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực triển khai; tham mưu với chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt công tác chuẩn bị dữ liệu hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng với quy mô toàn cầu, chu kỳ 3 năm một lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực là đọc hiểu, toán, khoa học.
Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá là năm 2000. Ban đầu, PISA được thiết kế đánh giá bằng đề thi trên giấy. Tuy nhiên, đến năm 2018, hầu hết quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn 9 nước tham gia thi trên giấy, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, năm 2025 sẽ là chu kỳ đầu tiên Việt Nam tham gia PISA trên máy tính. Điều này được kỳ vọng sẽ không còn tình trạng đã từng xảy ra ở các chu kỳ trước khi kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.
Nguồn: theo bải đăng trên thanhnien.vn