17/01/2022 09:38

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường để thống nhất trong lãnh đạo và quản trị

Một trong những vấn đề then chốt để thúc đẩy tự chủ đại học thành công là Hội đồng trường phải có thực quyền, Hội đồng trường có quyền quyết định công việc, chiến lược, đường hướng phát triển của nhà trường trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ: "Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.

Đã hơn 4 năm kể từ khi Nghị quyết 19-NQ/TW được ban hành nhưng đến nay, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đúng "Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường", việc này dẫn tới những những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thái Bình. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, thực hiện Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13, hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học đã thành lập Hội đồng trường. Tuy nhiên việc thành lập mang tính hình thức, chưa thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường, thậm chí có nơi Chủ tịch Hội đồng trường còn là cán bộ quản lý cấp bộ môn, cấp phòng, do đó dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học và hiệu quả không cao.

Chính vì lý do đó, ngày 25/10/2017 Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.

Ngày 19/11/2018 Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 (gọi tắt là Luật 34) và Chính phủ có Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 15/2/2020 (gọi tắt là Nghị định 99) là cơ sở cho các trường thành lập mới Hội đồng trường.

Nhiều trường đã thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW: Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Qua thực tế đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc thực thi quyền hạn, nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của Hội đồng trường.

Tuy nhiên vẫn còn một số trường chưa thực hiện nghiêm quy định này. Để thực hiện triệt để, không ngừng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 104/TB-VPCP thông báo “Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất”. Văn bản này nêu rõ: “Bộ rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường”.

Chủ trương “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, thể hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ, tập thể lãnh đạo. Hội đồng trường cũng làm việc theo nguyên tắc tập thể.

Đảng lãnh đạo toàn diện và đưa ra các chủ trương, đường lối. Hội đồng trường với vai trò quản trị thông qua nghị quyết tập thể để thực hiện hóa các đường lối, chủ trương của Đảng. Cuối cùng, vai trò của Hiệu trưởng là điều hành trực tiếp các công việc, hoạt động của nhà trường theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết mà Hội đồng trường đưa ra.

Đặc biệt, cả Đảng ủy và Hội đồng trường đều có chức năng đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết đã ban hành. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Hội đồng trường thể hiện trách nhiệm giải trình của Hội đồng trường với xã hội và các bên liên quan.

Có thể thấy sự tương đồng trong vai trò của tổ chức Đảng và Hội đồng trường, vì vậy, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường là một yêu cầu rất quan trọng để phương hướng và thực tiễn triển khai hoạt động của cơ sở giáo dục đại học có được sự thống nhất, thực hiện tốt tự chủ đại học.


Vì vậy sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 -2025, Hội đồng trường được thành lập mới theo đúng quy định, với thiết chế này, mọi công việc của nhà trường đều thuận lợi và hiệu quả."Với trường Đại học Y Dược Thái Bình, thực hiện theo Luật 34 và Nghị định 99, Nghị quyết 19/NQ-TW, văn bản chỉ đạo của Bộ Trưởng Bộ Y tế ngay từ khi chuẩn bị cho Đại hội Đảng Bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, định hướng Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường và đã kinh qua Ban giám hiệu.

Bên cạnh đó, với việc nhất thể này còn thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu, góp phần quyết định thực hiện thành công đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng, thực hiện chuyển đổi số và tự chủ đại học.

Tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Hội đồng trường là một thiết chế mới, một công việc không hề đơn giản, vì vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ, học tập nâng cao kinh nghiệm quản trị đại học của Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu”, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến nêu quan điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh. (Ảnh: Trường Đại học Vinh)

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cũng khẳng định, việc thực hiện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường là tập trung thống nhất trong lãnh đạo và quản trị trong một cơ sở giáo dục đại học.

Cần nhìn nhận rõ vai trò của 3 thiết chế Tổ chức Đảng, Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Cụ thể Đảng có vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện mọi mặt hoạt động của trường đại học, thống nhất và đưa ra chủ trương, định hướng lớn để xây dựng và phát triển Nhà trường.

Hội đồng trường có vai trò quản trị, cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng các Nghị quyết tập thể, quyết định chiến lược, mục tiêu, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm và các chủ trương lớn trong hoạt động của trường. Trên cơ sở đó, Hiệu trưởng tổ chức thực hiện những kế hoạch và chiến lược theo Nghị quyết được Hội đồng trường thông qua.

Việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW "Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường" đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học.

Bên cạnh đó Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường cũng góp phần phân định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của 3 thiết chế lãnh đạo, quản trị và quản lý, cũng là cơ sở để thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học, đảm bảo việc trao quyền tự chủ cho nhà trường gắn với trách nhiệm giải trình.

"Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường còn tạo điều kiện để thực hiện tốt mô hình thống nhất trong lãnh đạo, quản trị nhà trường theo hướng nâng cao trách nhiệm lãnh đạo tập thể và cá nhân quản lý, phát huy dân chủ, huy động được tính chủ động sáng tạo, các nguồn lực vào quản lý, đầu tư, xây dựng phát triển nhà trường", Tiến sĩ Hiền nhận định.

Nguồn: Giaoduc.net.vn