Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường đại học sẽ đảm bảo tốt sự lãnh đạo của Đảng
Một trong những vấn đề then chốt để thúc đẩy việc tự chủ đại học công lập thành công chính là việc hội đồng trường phải có thực quyền. Hội đồng trường có quyền quyết định công việc, định hướng và chiến lược phát triển của nhà trường trên cơ sở tuân theo các quy định của pháp luật.
Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ: “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường”.
Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày Nghị quyết 19 được ban hành, đến nay, vẫn có nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện chưa đúng điều này, dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học .
Vì sao cần phải thực hiện việc bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường đại học công lập, thưa thầy?Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng kiêm thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Bùi Xuân Hải cho rằng một cá nhân đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh này sẽ đảm bảo tốt sự lãnh đạo của Đảng đối với hội đồng trường.
Đảng luôn thực hiện vai trò lãnh đạo đối với các cơ sở giáo dục. Bí thư đảng ủy là cá nhân có vai trò quan trọng trong đảng ủy.
Trong khi đó, theo điều 16 của Luật Giáo dục Đại học thì “Hội đồng trườngcủa trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.
Hàng loạt những vấn đề quan trọng bậc nhất của trường đại học công lập là do hội đồng trường quyết định, trong đó có việc lựa chọn nhân sự ban giám hiệu, trong đó có hiệu trưởng. Theo Luật Giáo dục Đại học thì chủ tịch hội đồng trường là người có trách nhiệm, quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường.
Vì thế, một cá nhân đảm nhiệm cùng lúc hai chức danh này sẽ đảm bảo tốt sự lãnh đạo của Đảng đối với hội đồng trường, định hướng hoạt động của hội đồng trường vừa đúng với đường lối, chính sách của Đảng.
Theo thầy, những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường đại học công lập là gì?
Có hai sự thuận lợi khi thực hiện việc này. Một là góp phần chắc chắn, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hội đồng trường, và qua đó cũng có liên quan đến quá trình quản trị của trường đại học.
Tiếp đó là góp phần đưa các nghị quyết của đảng ủy và các đường lối, chính sách của đảng ủy đến hội đồng trường một cách nhanh chóng nhất, trực tiếp nhất.
Theo tôi, điều khó khăn hay thuận lợi còn sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể ở tại mỗi cơ sở. Có thể kể đến khó khăn là khi người giữ chức danh này không đủ năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm quản lý ở tầm vĩ mô của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc kiêm nhiệm này theo Phó Giáo sư có gây nên mâu thuẫn trong điều hành nhà trường không?
Việc kiêm nhiệm này hoàn toàn không gây nên mâu thuẫn trong việc điều hành nhà trường, vì đã có các quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, mỗi cá nhân lãnh đạo trong nhà trường.
Theo thầy, làm sao để tăng cường hiệu quả mối quan hệ công tác giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu tại các trường đại học công lập?
Cần có quy định rõ ràng hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy, hội đồng trường, hiệu trưởng. Bởi lẽ, theo tôi hiện nay một số các cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn còn đang lúng túng khi xác định các vấn đề này.
Hai cá nhân này cần phải hợp tác tốt với nhau, phối hợp với nhau thật chặt chẽ, phải hiểu rõ và làm tròn chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.Trong mỗi cơ sở giáo dục đại học công lập, thì đảng ủy, hội đồng trường, hiệu trưởng cần phải hiểu rõ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, phối hợp với nhau chặt chẽ, đặc biệt là hai cá nhân lãnh đạo là bí thư đảng ủy – chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng.
Trên cơ sở các quy định của Đảng và Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học công lập cần xây dựng, ban hành các quy định rõ ràng về: Chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy, hội đồng trường và hiệu trưởng, càng cụ thể càng tốt; về sự phối hợp trong công tác giữa đảng ủy, hội đồng trường và hiệu trưởng cũng như các thành viên trong ban giám hiệu nhà trường.
Nguồn: Giaoduc.net.vn