Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường đại học là chủ trương rất đúng đắn
Phó Giáo sư Đoàn Thanh Hà – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy trong buổi trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.
Thế nhưng, hiện nay, trên thực tế là có nhiều Bí thư Đảng ủy không phải là Chủ tịch Hội đồng trường/Hội đồng đại học. Điều này cho thấy rằng, một nghị quyết lớn của cấp trung ương nhưng vẫn có nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện tốt điều này.
Phó Giáo sư Đoàn Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy và cũng là Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngân hàng TPHCM (ảnh: NTCC) |
Theo Phó Giáo sư Đoàn Thanh Hà, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường theo Nghị quyết 19 là một giải pháp cho các trường đại học được phép tự chủ, đổi mới quá trình quản trị trường đại học.
Trước đây, Bí thư Đảng ủy thường là Hiệu trưởng, nhưng hiện nay, thường thì Đảng ủy sẽ ra chủ trương, Hội đồng trường ra nghị quyết còn Ban giám hiệu sẽ thực hiện theo nghị quyết này.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang yêu cầu các trường đại học trực thuộc Bộ phải thực hiện nghiêm túc điều này.
Còn về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2 trường là Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngân hàng đều đã thực hiện nghiêm yêu cầu này, ngay từ khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, vì nó sẽ tách bạch giữa việc điều hành và quản trị, quản lý điều hành một trường đại học.
Hội đồng trường sẽ giám sát việc điều hành của Ban Giám hiệu căn cứ theo điều 16 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Ở trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đã có định hướng là Bí thư Đảng ủy cũng sẽ là Chủ tịch Hội đồng trường.
Ban Giám hiệu sẽ điều hành dựa trên nghị quyết mà Hội đồng trường ban hành. Hội đồng trường sẽ giám sát quá trình điều hành nhà trường, để không bị lệch hướng, mà vấn đề chính là Hội đồng trường, Đảng ủy luôn là một tập thể, chứ không phải riêng một cá nhân nào.
Hội đồng trường có thể ban hành nghị quyết theo từng năm, từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Thực tế là tại trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi vận hành cơ chế này thì tình hình hoạt động của nhà trường tốt hơn rất nhiều, do sẽ có thể thực hiện cơ chế giám sát lẫn nhau.
“Hiệu trưởng không thể tự mình quyết định được” – Phó Giáo sư Đoàn Thanh Hà khẳng định.
Bí thư Đảng ủy là Hiệu trưởng không còn phù hợp nữa. Đảng chỉ đóng vai trò chỉ ra đường lối, chủ trương, còn nếu thực hiện nữa thì không thể công tâm, khách quan được.
Một điều nữa là việc này còn phát huy được tính tập thể, nếu các trường đại học được vận dụng theo cơ chế này sẽ rất tốt. Quan trọng là nhận thức của các cá nhân, cùng với lãnh đạo trong nhà trường, đừng sợ mất quyền lực.
Đưa ra ví dụ, tại trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân lãnh đạo đều có một nhận thức một vai trò riêng của mình, “đóng đúng vai, thuộc bài” đúng theo quy định.
“Hiệu trưởng nhà trường được làm gì, đóng vai trò gì… đều có quy định cụ thể hết” – thầy Đoàn Thanh Hà chia sẻ.
Ngoài ra, người lao động và kể cả cơ quan chủ quản cũng cần phải hiểu, nhận thức rõ ràng được việc này.
Hiện một số trường đại học thuộc một số Bộ không muốn làm điều này, thì vai trò của Hội đồng trường không thể nào phát huy được sức mạnh.
Nguồn: giaoduc.net.vn